Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vị hoàng đế duy nhất không biết chữ trong lịch sử và mối tình với nhũ mẫu chấn động hậu cung

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Mọi việc triều chính, Minh Hy Tông đều giao lại cho viên hoạn quan là Ngụy Trung Hiền cùng với người vú nuôi là Khách Thị nắm triều chính.

Vua Minh Hy Tông (23/12/1605 – 30/9/1627) là vị hoàng đế thứ 16 của nhà Minh, tên lúc sinh là Chu Do Hiệu. Ông là con trai trưởng của vua Minh Quang Tông.

Sau khi phụ hoàng qua đời, Chu Do Hiệu lên ngôi ở tuổi 15. Khi đó, vị vua mới này không hề biểu lộ sự đau buồn gì cả đối với cái chết của vua cha. Hành động của ông đối với người cha quá cố của mình bị các sử gia đời sau cho là bất hiếu.

Minh Hy Tông là vị Hoàng đế thứ 16 của nhà Minh. Tranh vẽ minh hoạ

Minh Hy Tông là vị vua đặc biệt nhất trong lịch sử nhà Minh nói riêng và trong lịch sử Trung Quốc nói chung bởi người ta cho rằng ông là vị vua không có học và ông cũng không hề biết chữ. Người ta còn cho rằng Minh Hy Tông không thể phê duyệt tấu sớ, cũng không thể coi việc triều chính, khiến cho nhiều nước lân bang khinh thường nhà Minh.

Mọi việc triều chính, Minh Hy Tông đều giao lại cho viên hoạn quan là Ngụy Trung Hiền cùng với người vú nuôi là Khách Thị nắm triều chính. 

Khách Thị tên thật là Khách Ấn Nguyệt, nhũ mẫu của vua Minh Hy Tông. Đây cũng chính là người nhũ mẫu sống “lâu năm” nhất trong cung và gây nên nhiều tai tiếng nhất cho “con nuôi” của mình.

Sử sách ghi lại, Chu Do Hiệu có tật rất “kén” vú nuôi. Hàng trăm vú nuôi đã được đưa vào cung nhưng đều không thể cho hoàng tử bú được. Chỉ đến khi Khách Thị được đưa vào thì Chu Do Hiệu mới tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời. Lúc ấy Khách Thị đã có chồng và một con. Tuy nhiên, đứa con gái của bà không may qua đời chỉ sau khi sinh khoảng 1 tháng.

Theo quy định, các nhũ mẫu sẽ phải rời khỏi cung điện trước khi Hoàng tử lên 7 tuổi nhưng điều này không được áp dụng với Khách thị. Càng trưởng thành, Cho Du Hiệu càng quấn quýt hơn với người nhũ mẫu này.

Thậm chí, nếu không gặp nhũ mẫu ít nhất một lần một ngày, Cho Du Hiệu sẽ cảm thấy bứt rứt, khó chịu trong người.

Ảnh minh hoạ.

Vào năm 1620, Minh Quang Tông băng hà, Chu Do Hiệu lên ngôi Hoàng đế khi mới 15 tuổi. Dù đã là vua một nước, nhưng Minh Hy Tông vẫn luôn quấn quýt bên Khách thị như hình với bóng.

Tuổi thơ của Minh Hy Tông gắn liền với nhũ mẫu Khách Thị nên việc nảy sinh tình cảm giữa hai người cũng không phải là chuyện gì khó tưởng tượng. Tuy nhiên, tình cảm giữa Khách Thị và Minh Hy Tông không chỉ đơn thuần là tình thương như con dành cho mẹ mà là của những cặp tình nhân đối đãi với nhau. Thậm chí, các nhà sử gia còn khẳng định rằng chắc chắn giữa Minh Hy Tông và Khách Thị có chuyện ân ái chăn gối.

Chính vì có tình ý với nhũ mẫu nên khi Minh Hy Tông lên ngôi Hoàng đế chưa được bao lâu, ông đã phong cho Khách Thị làm Phụng Thánh phu nhân. Hơn nữa, vào mỗi dịp sinh nhật Khách Thị, Minh Hy Tông đều đích thân tới chúc phúc không khác gì mẹ ruột.

Cũng chính vì mối quan hệ bất chính đầy tai tiếng này nên Khách Thị mới có những cơn ghen vô cớ đối với các phi tần được Minh Hy Tông sủng ái. Nhiều phi tần đã bị Khách Thị đánh ghen, thê thảm nhất chính là Trương Dục phi.

Khi Trương Dục phi mang thai sắp đến kỳ sinh nở, Khách Thị ra lệnh không được cấp lương thực cho Trương thị, đồng thời cũng không cho phép bất cứ ai tới cung của Trương Dục phi giúp cô ta sinh con. Kết quả là Trương Dục phi chưa kịp sinh con đã bị chết thảm vì đói.

Ảnh minh hoạ.

Vào năm 1623, Hoàng hậu có thai nhưng do luôn đối đầu với Khách Thị và đại hoạn quan Ngụy Trung Hiền - kẻ “ngồi cùng thuyền” làm khuynh đảo triều Minh với Khách Thị - nên bà bị hai kẻ này hãm hại.

Lưu Nhược Ngu, một thái giám Minh triều, tác giả của cuốn sách viết về những truyện thâm cung bí sử triều Minh cũng phải than về sự sủng ái mà Hy Tông dành cho Khách Thị rằng: “Thân làm vú nuôi mà ở hẳn trong một tòa cung điện, việc xa hoa cũng có thể biết là thế nào”. 

Ông còn nhớ lại rằng, khi đó mỗi lần Khách Thị ra khỏi cung về nhà thì có thái giám đi theo chừng hơn mười người, áo bào hồng đai ngọc đi phía trước, sau kiệu còn có trăm người đi theo làm tùy tùng. Đội ngũ đèn đuốc chừng hai ba ngàn chiếc. Ra khỏi cổng cung, đổi thành kiệu tám người. “Tiếng hô còn hơn cả tiếng thánh giá tuần du, đèn đuốc sáng như ban ngày, áo quần đẹp tự thần tiên, người như nước chảy, ngựa như rồng”, vị thái giám viết.

Lưu Nhược Ngu từng làm thái giám chấp bút, là người bên cạnh hoàng đế, đã gặp nhiều thấy nhiều mà còn cảm thán tới mức như thế thì có thể thấy sự sủng ái mà Khánh Thị nhận được lên tới mức nào. Đến các sử gia triều Minh cũng phải khẳng định rằng: “Hoàng quý phi ở trong cung đều chẳng bằng vậy”.

Tuy nhiên, dù được Minh Hy Tông sủng ái đến đâu thì rốt cuộc, Khách Thị tới cuối đời vẫn chỉ mang phận vú nuôi hèn kém và chưa một lần được xướng vào hàng Quý phi danh giá cao sang.

Trong khi đó, vua Hy Tông chỉ biết suốt ngày chơi bời, không ham chính sự. Đặc biệt, ngay từ nhỏ, vua đã có thích thú với việc chạm khắc gỗ, nên mặc dù ở ngôi, Minh Hy Tông suốt ngày chỉ biết khắc chạm, vẽ lên gỗ, nghệ thuật điêu khắc gỗ của vua tinh xảo. Vị hoàng đế này là người đã xây dựng mô hình mẫu Cung Càn Thanh.

Minh Hy Tông qua đời năm 1627 do lâm bệnh nặng, em út của ông lên nối ngôi. Đó là Hoàng đế Minh Tư Tông. 

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật