Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

VEA không đồng tình với phương án điện mặt trời một giá

(DS&PL) -

VEA cho rằng, cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng thay giá mua điện chung cho cả nước, điều này nhằm tránh tình trạng mất cân đối, gây quá tải.

VEA cho rằng, cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng thay giá mua điện chung cho cả nước, điều này nhằm tránh tình trạng mất cân đối, gây quá tải cục bộ.

Ngay sau khi Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam với một giá điện áp dụng toàn quốc, thay vì phương án chia 2 hoặc 4 vùng như trước, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã có văn bản bày tỏ quan điểm không đồng tình.

Trong văn bản kiến nghị của mình, VEA cho rằng cần thực hiện giá mua điện mặt trời nối lưới theo nhiều vùng thay giá mua điện chung cho cả nước. Điều này nhằm tránh tình trạng mất cân đối, nơi thì tập trung nhiều dự án, nơi không có doanh nghiệp đầu tư, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.

VEA không đồng tình với phương án điện mặt trời một giá. Ảnh minh họa 

Theo phân tích của VEA, cường độ bức xạ của Việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng. Trong đó, các tỉnh miền Bắc có mức bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 KWh/m2/ngày còn các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8-5,1 KWh/m2/ngày, tức cao hơn gần 1,4 lần. Như vậy, nếu áp dụng chung một giá sẽ dẫn tới các dự án điện mặt trời phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống. Trong khi đó, thực tế tình trạng quá tải ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã diễn ra lâu nay và vẫn chưa giải quyết được.

Theo ông Tô Quốc Trụ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn năng lượng thuộc VEA, chính sách giá bằng nhau khiến khu vực phía Bắc rất khó phát triển điện mặt trời. Việc này không chỉ nguy hại vì gây quá tải cục bộ mà còn ảnh hưởng đến cân đối cung - cầu điện khu vực phía Bắc. Từ chỗ cung cấp điện cho khu vực phía Nam trong một thời gian dài, miền Bắc đang được cảnh báo sẽ có xu hướng không tự cân đối được cung - cầu điện từ sau năm 2026 khi các nguồn thủy điện đã khai thác gần hết, nguồn điện than khó phát triển thêm. Khu vực này có thể phải nhận điện từ miền Trung thông qua lưới điện truyền tải liên miền Trung - Bắc nên rất cần khuyến khích. Do đó, cần chính sách giá khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa để miền Bắc phát triển năng lượng tái tạo.

Thực tế đến nay, các tính toán từ năm 2018 đã không lường được hết mức độ bùng nổ của điện mặt trời. Tám tháng đầu năm 2019, cả nước đã phát 2,85 tỉ KWh điện mặt trời, đạt 106,5% kế hoạch năm.

Đại diện Ban Chiến lược Phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đối với điện mặt trời, từ khi khởi công tới khi hòa lưới điện chỉ mất vài tháng, trong khi đầu tư xây dựng lưới điện phải mất vài năm mới có thể đi vào hoạt động. Chưa kể, thực tế phát sinh rất nhiều vướng mắc về thủ tục xây dựng.

"Quá tải cục bộ lưới điện quốc gia sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới" - EVN cảnh báo và cho hay đã đề xuất nhà đầu tư lắp thêm hệ thống pin dự trữ để có thể tích điện nhưng vì lý do tài chính nên nhà đầu tư không làm.

Được biết, trước đó, theo tờ trình của Bộ Công Thương, biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện được quy định như sau: dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/KWh, tương đương 7,09 cent/KWh; điện mặt trời nổi 1.758 đồng/KWh, tương đương 7,69 cent/KWh và điện mặt trời áp mái 2.156 đồng/KWh, tương đương 9,35 cent/KWh.

Trong khi đó, theo phương án chia 4 vùng được đề xuất trước đây, giá điện mặt trời mặt đất cao nhất có thể lên 2.100 đồng/KWh, điện mặt trời nổi cao nhất 2.280 đồng/KWh. Chỉ riêng giá điện mặt trời áp mái được giữ nguyên mức 2.156 đồng/KWh như tại dự thảo cũ.

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật