Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Về vùng sâu vùng xa coi thi, giảng viên phải "ăn nhờ ở đậu" nhà dân

(DS&PL) -

Tại tỉnh Điện Biên, để chuẩn bị cho công tác coi thi, các thầy cô trường ĐH Thủy Lợi phải ăn nghỉ trong khu nội trú của một trường học và nhờ dân nấu nướng hỗ trợ.

Tại tỉnh Điện Biên, để chuẩn bị cho công tác coi thi, các thầy cô trường ĐH Thủy Lợi phải ăn nghỉ trong khu nội trú của một trường học và nhờ người dân nấu nướng hỗ trợ.

Các thầy cô Trường ĐH Thủy Lợi chụp ảnh kỷ niệm trước khi lên đường đi coi thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Tiền Phong

Chiều 21/6, các thầy cô của Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội vẫn đang nỗ lực hoàn tất công việc để một ngày nữa yên tâm tới Hưng Yên coi thi THPT quốc gia. Năm nay, trường được giao nhiệm vụ coi thi ở tỉnh gần Hà Nội. Nhà trường sẽ đảm nhận 17/28 điểm thi trên địa bàn.

Chia sẻ với báo VietNamnet, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết: "Có những điểm chỉ có một khách sạn hoặc một nhà nghỉ, không đủ phòng cho các thầy cô nên nhà trường phải bố trí 3 người/ phòng, hoặc có những nơi phải di chuyển khá xa mới có chỗ nghỉ cho cán bộ coi thi”.

Với một tỉnh khó khăn, địa hình hiểm trở khác như Điện Biên, năm nay, Trường ĐH Thuỷ lợi – đơn vị phối hợp chật vật hơn trong việc lo nơi ăn, chốn ở cho khoảng 360 cán bộ, giảng viên.

Ông Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn tỉnh có 17 điểm thi, hầu hết các điểm đều cách xa thành phố Điện Biên.

“Điểm xa nhất là Mường Nhé, cách TP. Điện Biên 205km, đi gần hết 1 ngày. Điểm gần nhất cũng phải 80km tính từ TP. Điện Biên. Đường xá đi lại khó khăn nên phải đi mất 7-8 tiếng cho 80km”.

“Có 3 điểm đặc biệt khó khăn đi từ thành phố lên mất gần 1 ngày, không có khách sạn, nhà nghỉ. Có điểm cán bộ phải ăn nghỉ trong khu nội trú của một trường học, có điểm thì nhờ dân nấu nướng hỗ trợ. Nhưng việc chúng tôi lo ngại nhất là đang mùa mưa bão, đường sá sạt lở. Tuy vậy, nhà trường hết sức chia sẻ với bà con và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, ông Việt cho hay.

Tuy khó khăn, vất vả nhưng các thầy cô đều vô cùng tâm huyết với kỳ thi sắp tới. Ảnh: Tiền Phong

Được biết, để chuẩn bị cho việc ăn ở của gần 400 cán bộ, giảng viên ở các điểm thi khác nhau, các cán bộ của trường phải đi tiền trạm một số điểm khó khăn. Ngoài ra, trường cũng xin kinh nghiệm từ các trường đã thực hiện nhiệm vụ ở tỉnh từ các năm trước. Còn lại, trưởng đoàn coi thi của trường sẽ liên hệ và trao đổi với trưởng điểm thi tại địa phương qua điện thoại.

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề kinh phí cũng là một việc cần lo của các trường.

“Đến thời điểm này, chúng tôi đã chi hơn 500 triệu đồng, bao gồm tiền hỗ trợ thuê xe và hỗ trợ công tác phí cho các cán bộ được phân công ở những điểm khó khăn”. Theo ông Việt, địa phương chỉ hỗ trợ đi lại theo đúng quy định – tức là tiền đi xe khách từ Hà Nội lên Điện Biên và từ Điện Biên tới các điểm thi.

Gần 400 cán bộ, giảng viên đi xe khách thì không an toàn. Vì thế, trường tự thuê xe và sẽ bù nếu kinh phí thiếu. Với những điểm thi vất vả hơn, nhà trường cũng hỗ trợ thêm công tác phí so với quy định của Nhà nước.

"Dù khó khăn vất vả, nhưng các trường cũng cố gắng khắc phục vì trách nhiệm xã hội, miễn sao đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, thực chất", ông Việt cho hay.

Trước đó, ngày 21/6, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 (BCĐ) đã có cuộc họp, rà soát lần cuối công tác chuẩn bị tại các cụm thi.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các thành viên BCĐ thảo luận về các công tác được các địa phương chuẩn bị cho đến thời điểm này. Những vướng mắc cần được BCĐ hướng dẫn thêm để các cụm thi, Hội đồng thi quán triệt nhằm đảm bảo tiến độ chuẩn bị theo kế hoạch cũng như các công tác đảm bảo khác cho kỳ thi diễn ra thành công trên cả nước.

Các trường ĐH 'chuyển quân' về địa phương làm thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Tiền Phong

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi được Bộ GD-ĐT chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều khâu, tuy nhiên, không thể chủ quan ở bất cứ khâu nào. BCĐ thi THPT quốc gia đã thành lập 8 đoàn kiểm tra và đã kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị tại hơn 30 Hội đồng thi để kịp thời đề nghị BCĐ thi các tỉnh tiếp tục bổ sung, khắc phục những khâu còn thiếu sót; đảm bảo quá trình chuẩn bị tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy chế thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đoàn công tác phải thường xuyên kết nối, nhắc nhở BCĐ thi của tỉnh, Hội đồng thi những công tác chuẩn bị và trong suốt quá trình tổ chức coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi… quán triệt tinh thần cán bộ tổ chức kỳ thi, đề phòng những bất trắc xảy ra dù là nhỏ nhất. BCĐ thi THPT Quốc gia phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi.

“Trong quá trình đó nếu phát hiện vi phạm phải lập biên bản xử lý theo các mức độ quy định trong quy chế thi để làm nghiêm quy chế thi”, Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu khâu bảo quản đề thi, bài thi phải được thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy chế. Đối với khâu chấm thi trắc nghiệm (do các trường đại học chủ trì chấm thi), trường phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chấm thi nghiêm túc, không để xảy ra vấn đề sơ suất đáng tiếc trong quá trình chấm thi.

Với ngành công an, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Bộ Công an tăng cường an ninh và trật tự xã hội, an toàn thông tin cho kỳ thi; có các giải pháp đấu tranh, phát hiện các đường dây mua bán thiết bị công nghệ cao; tập huấn cho cán bộ coi thi phát hiện thiết bị công nghệ cao mà thí sinh có ý định mang vào phòng thi với mục đích gian lận thi cử hoặc ghi âm, ghi hình với mục đích làm xấu hình ảnh kỳ thi. Với các địa phương, BCĐ thi bố trí đường dây để kết nối với các cụm thi, kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ, xử lý thông tin trong quá trình kỳ thi diễn ra một cách nhanh nhất.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu, công tác tuyên truyền phải được BCĐ thi và BCĐ thi các tỉnh, thành phố chú trọng tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân yên tâm, ủng hộ một kỳ thi nhẹ nhàng, ổn định, tiết kiệm, không có áp lực trong thí sinh và các tầng lớp nhân dân.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật