Nằm ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà của quê lúa Thái Bình, làng Mẹo chỉ rộng chừng 2km2 nhưng lại là nơi xuất thân của hơn 100 tỷ phú.
Ngôi làng tiền tỷ đi lên từ ngành dệt
Làng Mẹo tức làng Phương La (xã Thái Phương) được mệnh danh làng giàu nhất quê lúa. Xưa Phương La vốn là một ngôi làng nổi tiếng với nghề dệt truyền thống ở tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, diện mạo của ngôi làng đã thay đổi chóng mặt trong những năm gần đây.
Làng Mẹo cách Quốc lộ 39B một cánh đồng. |
Ông Trần Văn Toán, Trưởng thôn Phương La chia sẻ: “Làng Mẹo ra đời từ hơn 800 năm trước. Tên gốc của làng là Ứng Mão - có nghĩa là ngôi sao Mão, ngôi sao tượng trưng cho sự giàu có. Các làng bên ngày ấy thường cười cợt vì cái nghèo khó của làng nên gọi chệch thành làng Mèo. Để tránh tên Mèo khó nghe, người dân trong làng bèn gọi là làng Mẹo, lại còn có thêm nghĩa là lắm mưu, nhiều mẹo”.
Nằm giữa cánh đồng lúa, làng có hàng chục doanh nghiệp, những biệt thự lộng lẫy theo phong cách châu Âu, hơn chục nhà thờ họ hoành tráng, ấn tượng nhất là có lăng mộ thuộc loại lớn ở Việt Nam, cao như tòa nhà sừng sững ngay đầu làng.
Theo số liệu mà chúng tôi có được, Phương La có gần 5.000 nhân khẩu nhưng chỉ có hơn 100ha đất nông nghiệp. Nhà nọ sát vách nhà kia, vườn tược không có mấy nhưng có đến hơn 100 tỷ phú sở hữu những doanh nghiệp, ít thì vài tỷ, nhiều thì cả ngàn tỷ đồng. Mỗi năm, làng lại có vài người ghi tên mình vào danh sách tỷ phú mới.
Theo tiết lộ của một cán bộ phòng Công Thương, UBND huyện Hưng Hà, doanh thu của các doanh nghiệp ở làng Mẹo khoảng 700 tỷ đồng/năm. Tại làng Mẹo đã thành lập 1 cụm công nghiệp với hơn 100 công ty, ngoài ra còn tới vài trăm doanh nghiệp vệ tinh phục vụ cho các doanh nghiệp tại làng. Hầu hết công ty lớn đều được lập ở ngoài tỉnh. Những công ty nhỏ thì họ đặt ở làng để thuận tiện giao dịch. Trong làng cũng tới 50 doanh nghiệp có vốn từ 5 tỷ đồng trở lên với doanh thu khoảng 400 tỷ đồng/năm, ông Toán cho biết thêm.
Có một đặc điểm chung của tất cả những vị đại gia trong ngôi làng này chính là đều bắt đầu với ngành dệt. Theo sử sách Phương La ghi lại thì ngôi làng "kỳ lạ" này xuất hiện nghề dệt từ 800 năm nay. Từ thời vua Lý Thái Tông đã tặng cho làng 4 chữ "Lục long ngự thiên", tức dũng khí như 6 con rồng. Làng lại có 6 danh tướng có công giết giặc Thát, trong đó cả 6 tướng đều là tổ nghề dệt của đất Phương La.Vì thế, con cháu của Phương La theo nghề đó cho tới ngày hôm nay. Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng có thể nghe thấy tiếng máy dệt rầm rập suốt ngày đêm. Đàn ông thì dập máy, đàn bà thì se tơ, mỗi người mỗi việc.
Nhờ nhạy bén trong kinh doanh, họ lại bỏ tiền đầu tư kinh doanh bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải... nên đã giàu lại càng giàu thêm. Trong đó phải kể đến, ông Vũ Quang Huy vốn là người đi lên từ nghề dệt, rồi chuyển sang kinh doanh nước khoáng. Từ đôi bàn tay trắng, ông Huy tạo dựng cả một tập đoàn lớn chuyên sản xuất nước khoáng, hiện là Tập đoàn Bitexco. Ông đã biến thương hiệu nước khoáng Vital của Thái Bình thành một thương hiệu nổi tiếng. Cách đây chục năm, công ty của ông Huy đã nộp thuế cho Thái Bình đến 40 tỷ một năm.
Các căn biệt thự trải khắp ngôi làng nhỏ. |
Một đại gia cũng lớn lên tại làng Mẹo là ông Trần Văn Sen - ông chủ của Tập đoàn Hương Sen và hãng bia Đại Việt. Cũng xuất thân từ nghề dệt, tới nay Tập đoàn Hương Sen của ông Trần Văn Sen là một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong sản xuất, kinh doanh đồ uống. Tập đoàn Hương Sen còn dẫn đầu toàn tỉnh Thái Bình về thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước với số nộp bình quân 500 - 700 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi ngày đóng góp khoảng 2 tỷ đồng. Ngay trong làng Mẹo, còn có một khu mua sắm hiện đại của đại gia Trần Văn Sen, đứng ngoài đường nhìn vào, to cỡ siêu thị BigC. Hàng chục doanh nghiệp san sát, biệt thự hoành tráng choán hết tầm mắt, giữa làng xây một ngân hàng lớn cho người dân giao dịch thuận tiện, đủ biết mức độ giàu có của người dân nơi đây đến mức nào.
Trẻ sinh ra đã được giáo dục về kinh doanh
Vào làng Mẹo người ta cứ ngỡ lạc vào một khu công. Chiều đến, khung cảnh làng Mẹo tấp nập, xe tải, container nối đuôi nhau ra vào, công nhân tan ca đông như trẩy hội, người dân hối hả chở những lô hàng dệt về nhà, tới nhà máy giao dịch. Trong làng có hơn 10 nhà thờ họ hoành tráng, mỗi nhà thờ họ mang một phong cách khác nhau và có giá trị nhiều tỷ đồng. Làng Mẹo còn có CLB chơi cây cảnh. Hiện trong làng có rất nhiều đại gia sở hữu nhiều cây cảnh có giá trị.
Theo sách “Long Hưng – đất phát nghiệp Vương triều Trần” của nhà nghiên cứu Đặng Hùng thì dân làng Mẹo chỉ có giàu hay không, chứ không bao giờ đói. Người Thái Bình có câu: “Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”.
Người làng Mẹo không chỉ khéo léo trong nghề dệt, mà còn cực giỏi trong giao dịch bán hàng. Các sản phẩm của họ làm ra, họ tự mang đi bán không những khắp nước mà khắp thế giới. Làng Mẹo giàu có, có thể lý giải được vì từ khi sinh ra đến khi lớn lên đã được giáo dục về kinh doanh, buôn bán, được truyền dạy phải “nghĩ lớn, làm lớn”, biết đứng dậy sau thất bại để thành công.
Một số nhà nghiên cứu đã về làng Mẹo để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa hơn tại sao người dân nơi đây lại thành công nhưng đều chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Tương truyền từ khi lập làng, các cụ tổ có truyền lại những bí quyết kinh doanh và chỉ được truyền miệng trong gia đình nên dân ngoại tộc không thể học được. Theo truyền thuyết, đó là một bài kệ về phương thức kinh doanh, làm giàu. Bài kệ này dài tới 1.200 câu. Ai học thuộc được thì sẽ thành đạt trong cuộc sống, tuyệt đối không được ghi chép lại. Bài kệ đó có thật hay không, chưa ai trả lời được nhưng có một thực tế là làng này sản sinh ra hàng trăm tỷ phú khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, đàn ông Mẹo giỏi giang, thành đạt, con gái làng Mẹo xinh đẹp, khéo tay, dệt cửi, lại hay nết. Con gái nơi khác lấy được con trai làng Mẹo là cái phúc, con trai ngoài làng lấy được con gái làng Mẹo thì chẳng khác gì vớ được vàng. Đó cũng phần nào lý giải vì sao làng Mẹo lại giàu có từ gần ngàn năm trước và sẽ ngày càng giàu có hơn.
Bá Di
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sông & Pháp luật số 89