Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vào lõi rừng, tận mắt xem nơi sinh trưởng của “chúa gà 9 cựa"

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Giữa đại ngàn vườn quốc gia Xuân Sơn, nơi kết thúc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, bà con người Dao đang sở hữu giống gà quý 9 cựa, được xưng tôn là “chúa gà”.

(ĐSPL) - Giữa đại ngàn vườn quốc gia Xuân Sơn, nơi kết thúc dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, bà con người Dao đang sở hữu giống gà quý 9 cựa. Giống gà này được người dân bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) xưng tôn là “chúa gà”. Với nhiều người, sự tích về gà 9 cựa vẫn còn là điều bí ẩn thôi thúc họ một lần được đặt chân về nơi đất Tổ để khám phá...

Chúa gà giữa đại ngàn

Cách Hà Nội gần 200km nhưng cung đường thử thách chúng tôi nhất là quãng đường 35km từ phố Vàng (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà người dân ở đây gọi những con dốc là “dốc tay quay”, một bên núi, một bên vực...

Sau những phút thót tim, chúng tôi lại khá bất ngờ vì những con đường bê tông thảm rộng dẫn từ cổng vườn Quốc gia vào sâu từng bản của xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn). Và để tận mắt chiêm ngưỡng giống gà quý này, chúng tôi phải lặn lội vào bản Cỏi (xã Xuân Sơn) nơi được cho là xuất xứ của giống gà tiến vua nổi danh. Anh Hùng, nhân viên vườn Quốc gia Xuân Sơn vừa dẫn chúng tôi đi xuyên rừng để vào được bản này vừa chỉ cho chúng tôi “niềm tự hào” của các nhân viên vườn ở đây. Dọc đường đi, những cây gỗ chò chỉ cao vài chục mét vươn lên thẳng tắp, phóng tầm mắt ra xa chút, chúng tôi có thể nhìn thấy những cây gỗ nghiến hàng nghìn năm tuổi vừa được công nhận cây di sản Việt Nam.

Gà 9 cựa được người dân nơi đây gọi là chúa gà. Ảnh: T.L.

Anh Hùng bảo: “Ở đây là đường phải tránh cây”. Dù có những con đường thuận tiện cho đi lại nhưng không một cây gỗ có giá trị nào ở đây bị đốn hạ hay mang ra khỏi cổng rừng. Dù có bị bão quật đổ, chúng cứ nằm đó và “nuôi” lại cây đang sống. Có lẽ đây là lý do khiến những cánh rừng ở vườn Quốc gia Xuân Sơn dù nằm sát nhà dân nhưng vẫn được giữ nguyên vẹn.

Sau vài chục phút đi xe xuyên tâm rừng, chúng tôi cũng đến được bản Cỏi nằm trong lõi vườn Quốc gia. Rất may mắn, sau ít phút hỏi thăm, chúng tôi được trò chuyện với ông Đặng Vĩnh Phúc, một người cao tuổi ở bản Cỏi. Thấy chúng tôi có nhã ý muốn tìm hiểu về gà 9 cựa, ông Phúc niềm nở mời khách vào nhà. Giữa tiết trời lạnh buốt mùa đông, bên ấm trà nóng, câu chuyện về gà 9 cựa của ông Phúc thêm phần rôm rả. Ông Phúc trầm ngâm nhớ lại: “Tôi cũng chẳng rõ giống gà này có mặt ở bản Cỏi từ bao giờ. Chỉ biết người Dao ở đây trong các ngày lễ, đặc biệt là ngày lễ lập tĩnh (có nơi gọi là lễ cấp sắc), để làng bản và trời đất công nhận sự trưởng thành của người con trai, từ trước đến nay ở Xuân Sơn không thể thiếu loại gà này để dùng tế lễ. Dân ở đây thường gọi là chúa gà”.

Chúng tôi khá tò mò muốn tận mắt nhìn thấy loại gà này. Ông Phúc bảo: “Ban ngày, muốn bắt gà 9 cựa còn khó hơn lên trời, chúng vào rừng kiếm ăn hết, đặc biệt là gà trống thì càng khó hơn”. Ông Phúc nói tiếp: “Tôi nhớ năm 1986, tôi ra ở riêng. Lúc đó tôi có đem đồ đi đổi lấy ít gà về nuôi. Trong đàn gà này, lúc trưởng thành có một con gà có đủ 9 cựa. Thực sự lúc đó, gia đình rất sợ vì cho đó là gà lạ nên đã thịt đi. Về sau, gia đình vẫn nuôi giống gà này nhưng chủ yếu là 6-8 cựa”.

Dù đang là buổi trưa, nhưng ông Phúc nhiệt tình cùng vợ ra vườn dồn bắt một con gà mái 6 cựa để chỉ trực tiếp cho chúng tôi xem. Ông Phúc phân trần: “Con này gà mái, đang dẫn con nên không được đẹp, phải đợi tối nhìn gà trống mới thấy hết sự oai hùng của chúa gà”.

“Vũ khí" bí mật của chúa gà

Theo chia sẻ của người dân nơi đây, tập tính của loài gà này là buổi sáng chúng chạy lên rừng tre, nứa để tự kiếm ăn, tối lại về gầm sàn người nuôi để ở. Do sống hoang dã, nên chúng thường bay cao lên những cành cây, nếu là gà trống nuôi lâu năm có thể trông nhà, cai quản nông trang, điền thổ. Do gà có sở thích leo trèo, thức ăn lại chủ yếu là thóc và ngô nên thịt của loại gà này rất thơm ngon, rắn chắc. Chân gà cao, to cứng và rất đẹp. Giống như các loại gà khác của Việt Nam, gà 9 cựa sống thành đàn nhỏ, 1 con gà trống là đầu đàn và có thể có nhiều con gà trống và gà mái khác. Theo ông Phúc, cựa trên cùng là sừng, dài ngắn tùy theo độ tuổi gà, có con gà thì cựa cong vút như lưỡi câu liêm, có con gà cựa lại thẳng tắp như chiếc nanh lợn. Gà có cựa hóa sừng ra vẻ oai vệ vì các sừng này sẽ là công cụ để gà chiến đấu khi phân đàn hoặc canh giữ nhà cửa.

Nhân viên vườn Quốc gia Xuân Sơn tiến hành nghiên cứu, bảo tồn giống gà 9 cựa. Ảnh: Vườn Quốc gia Xuân Sơn cung cấp.

Dù được ông Phúc kể khá tận tường về giống gà này nhưng dường như biết được bấy nhiêu chưa đủ thỏa mãn chí tò mò của chúng tôi. Anh Hùng tiếp tục dẫn chúng tôi sang bản Dù (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn) với hy vọng có thể “tóm” được một chú gà trống.

Sau ít phút hỏi thăm, chị Lý Thị Nguyên, người Dao sống ở bản Dù (xã Xuân Sơn) giới thiệu, nhà chị có một trang trai nuôi ga, vịt ơ ngay dươi chân núi và có thể dẫn chúng tôi đến để xem “liệu có bắt được chú gà trống” nhiều cựa nào không. Quả thực, sự hiếu khách của người dân nơi đấy khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Ít phút sau, chồng chị Nguyên cũng đi cùng chúng tôi đến trang trại. “Đường khó đi đấy, cẩn thận nhé!”, chị Nguyên dặn dò. Quả thật từ nhà chị nhìn sang trang trại chỉ trong tầm mắt mà con đường sao ngoằn ngoèo, khó đi đến vậy. Con đường chỉ vừa đúng bánh xe máy khiến chúng tôi không dám bon bon vì chỉ cần trượt bánh, chúng tôi sẽ bị rơi xuống đầm nước ngay. Có một chú gà trống đang ở góc vườn khiến 4 người chúng tôi tập trung cũng bắt được một chú gà có 6 cựa. Quả thực, tận mắt nhìn ngắm giống gà này chúng tôi mới hiểu tại sao nó được phong là chúa gà. Gà nhiều cựa thân hình mảnh dẻ, mang dáng dấp của gà rừng. Mào gà đỏ rực, đuôi gà cong như một chiếc cầu vồng. Tuy nhỏ bé nhưng chân gà lại vồng to, óng lên màu vàng quyến rũ và to như chân gà Đông Tảo.

Theo chị Nguyên, nếu là gà nhiều cựa “xịn” cân nặng nhiều nhất cũng chỉ khoảng 1,8kg. Và các cựa gà này sẽ phát triển dần theo thời gian đến khi gà trưởng thành. Khi đủ lông đủ cánh, chúng sẽ có khả năng bay như chim. “Giống gà này không thể nuôi nhốt theo hình thức công nghiệp, bởi đàn gà rất hung dữ và có thể tấn công nhau. Nuôi nhốt dù chuồng có rộng nhưng chúng cũng không thể lớn và thường bị bại liệt do không được đi lại nhiều. Vài năm trở lại đây, giống gà này được nhiều người dân các nơi đến mua làm quà biếu, quà tết năm cao nhất tôi bán gà có giá 400.000 đồng/kg. Mong năm nay lại được giá như vậy”, chị Nguyên nói.

Theo đại diện vườn Quốc gia Xuân Sơn, từ năm 2012-2015, vườn Quốc gia đã có đề tài Bảo tồn nguồn gene gà Lôi trắng (Lophura nycthemra) và gà Chín cựa (Galus domentcus sp). Mục tiêu là bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gene của hai loại gà Lôi trắng và gà chín cựa tại vườn quốc gia Xuân Sơn. Cung cấp giống thương mại chuẩn cho người dân sống trong và gần kề vườn Quốc gia, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập bền vững cho người dân, đặc biệt khi vườn quốc gia Xuân Sơn trở thành khu Du lịch văn hoá Tâm linh nổi tiếng. Từ đó giảm sức ép vào vườn quốc gia Xuân Sơn. Đến nay, nhờ sự hướng dẫn của nhân viên vườn Quốc Gia, người dân tại xã Xuân Sơn đã thực hiện nhiều mô hình nuôi gà chín 9 cựa, góp phần nâng cao đời sống người dân.

ĐỖ THƠM

Tin nổi bật