Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Vàng tặc” đại náo Quế Phong

(DS&PL) -

Từ trong và sau tết Nguyên đán đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép lại trở thành chủ đề “nóng” ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An).

Câu chuyện về khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Quế Phong (Nghệ An) vẫn chưa có hồi kết. Sau lần ra quân rầm rộ truy quét “vàng tặc” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Giám đốc công an tỉnh Nghệ An thì tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện Quế Phong tạm thời bớt “nóng”. Tuy nhiên, từ trong và sau tết Nguyên đán đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép lại trở thành chủ đề “nóng” ở huyện miền núi Quế Phong.

Bài 1: Tan hoang vì … vàng

Trong quá trình thâm nhập thực tế để chứng kiến tình trạng khai thác vàng trái phép tại hai xã Quang Phong và Cắm Muộn (huyện Quế phong). Cảnh tượng tan hoang, xác xơ dưới những dòng khe, con suối như nói lên tất cả về bức tranh khai thác vàng trái phép lâu nay tại địa phương này.

Móc “ruột” sông Quàng

Từ thị trấn Quỳ Hợp, chúng tôi chạy tắt theo con đường vành đai Châu Thôn – Tân Xuân. Sau khi vượt qua hơn 50 cây số đường rừng, dốc đá quanh co, cuối cùng chúng tôi đến được bản Nậm Xái, xã Quang Phong.

Một tốp khai thác vàng trái phép tại bản Páo, xã Quang Phong. Ảnh: Đ.T

Sau khi hỏi thăm đường từ những người dân tại bản này chúng tôi biết thêm một số thông tin về tình trạng khai thác vàng trái phép tại địa bàn. Theo đó, trước đây tại khu vực sông Quàng (chạy qua 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn) có rất nhiều tốp khai thác vàng trái phép quy mô lớn bằng máy múc. Thời kỳ cao điểm của năm 2012 và 2013 có đến hàng chục tốp với hàng trăm người khai thác suốt ngày đêm làm cho khe suối tan hoang, môi trường ô nhiễm, trật tự trị an của địa phương bị đảo lộn.

Nay, sau khi lực lượng chức năng tiến hành truy quét mạnh tay thì tình trạng khai thác vàng trái phép có lắng xuống. Tuy nhiên, ghi nhận đầu tiên của phóng viên khi bước vào bản Nậm Xái là hình ảnh dòng khe đục ngầu, tiếng máy hút inh ỏi khắp nơi. Tại đoạn sông Quàng chạy qua khu vực bản Nậm Xái có đến 3 tốp khai thác vàng trái phép bằng máy hút “Dong Fong”. “Bọn em mới làm được vài ngày thôi, không có việc gì làm nên mấy anh em trong bản góp tiền mua máy hút về để khai thác vàng”, Lữ Văn Tân, người bản Nậm Xái cố gắng giải thích với PV.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi tới bản Páo (xã Quang Phong). Từ đường lớn, nhìn ra phía bãi bồi dọc bờ sông Quàng là nhiều tốp với hàng chục đối tượng đang khai thác vàng trái phép. Tiếng máy nổ inh ỏi, chúng tôi cố tiếp cận một tốp khai thác khoảng 10 người. Thấy người lạ xuất hiện, cả tốp ngừng đào bới, máy nổ cũng được tắt. Cả nhóm “vàng tặc” ngơ ngác nhìn người lạ với ánh mắt dò xét.

Được biết, đây là khu vực khai thác của một người đàn ông tên Duẩn, ở bản Páo. Theo tìm hiểu, người này bắt đầu tiến hành khai thác vàng trái phép tại sông Quàng, đoạn qua bản Páo từ sau tết nguyên đán đến nay. Vì thế, cả một khúc sông dài và nhiều bãi bồi ven sông đều ngổn ngang đất đá thải của tốp khai thác này. Điều đáng nói là nhóm khai thác trái phép này chỉ hoạt động cách đường lớn chưa đầy 100m, cách UBND xã Quang Phong chưa đầy 3km nhưng các cơ quan chức năng từ Ban cán sự xóm bản đến chính quyền xã đều không hề hay biết?

“Bọn em là những người trong bản góp tiền vào mua máy móc về làm kiếm cơm chứ có làm to như chỗ khác mô”, Duẩn, người tự xưng là “quản lý” ở khu vực khai thác nói trên phân trần. Khi PV đặt câu hỏi: “Các anh có hay bị chính quyền xuống kiểm tra, đẩy đuổi không?”, anh Duẩn khẳng định: “Bọn em làm quy mô nhỏ, với lại, tất cả đều là người trong xóm, trong bản nên các anh ở trên cũng tạo điều kiện cho làm. Không thấy ai nói gì hết”(?).

Cùng chung “số phận” với các khúc sông ở bản Nậm Xái và bản Páo là cảnh tượng tan hoang ở khúc sông Quàng, đoạn qua bản Có Hướng (xã Quang Phong). Tại đây có 2 máy múc của một đơn vị ở TP Vinh vào làm đã mấy tháng nay. Theo điều tra của PV, đơn vị này đã mua lại nhiều mảnh ruộng của người dân với giá hàng trăm triệu đồng để tiến hành khai thác vàng trái phép.

“Chỗ hai máy múc đang múc kia nghe nói là của một đơn vị dưới Vinh lên làm, họ đã làm từ mấy tháng nay rồi. Cả khúc sông và bãi bồi bên sông Quàng đều tan hoang, một số diện tích ruộng cũng bị sạt lở, sông bị thay đổi dòng chảy, nước bị ô nhiễm là hệ quả của việc khai thác vàng tría phép ở bản chúng tôi. Dù người dân đã kiến nghị nhiều nhưng vẫn cứ thấy họ khai thác bình thường. Chính quyền xã cũng chỉán binh bất động” dù qua lại khu vực này họ đều thấy rất rõ thực trạng trên”, chị Vi Thị Hồng, bản Có Hướng, phản ánh.

“Vết thương” Bản Cắm

Những ghi nhận của PV về tình trạng khai thác vàng trái phép ở 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn là sự công khai đến lạ thường của những đối tượng được gọi là “vàng tặc”. Mặc dù hầu hết các điểm khai thác chúng tôi tiếp cận đều nằm ở vị trí rất dễ bị phát hiện như gần đường lớn, sát ruộng lúa, bãi bồi ven sông hay thậm chí nằm ở trung tâm của bản làng.

Cũng giống như ở Quang Phong, tại xã Cắm Muộn tình trạng khai thác vàng trái phép tại địa phương này chưa bao giờ bị ngăn chặn triệt để, nhất là tại “rốn vàng” Bản Cắm.

Ngổn ngang phương tiện khai thác vàng - Những hình ảnh rất dễ bắt gặp ở xã Quang phong và Cắm Muộn. Ảnh: Đ.T

Từ đường Châu Thôn – Tân Xuân, chúng tôi vượt cầu treo Cắm Muộn, đi mất khoảng 30 phút là vào đến Bản Cắm. Có mặt tại đây, ghi nhận đầu tiên của PV là cảnh tượng sông suối tan hoang, dòng nước đục ngầu với những hầm hố nham nhở, chằng chịt khắp các cánh đồng, khe suối. Tại khu vực Khe Quỳa có đến 3 tổ khai thác vàng trái phép, chúng lập lán trại và có hàng chục công nhân làm việc không ngừng nghỉ. Cũng tại khu vực này có đến 6 -7 tổ khai thác dọc khe từ bản Cắm đến sông Quàng với khoảng vài chục người tham gia. Những lán trại chằng chịt, máy móc gầm rú vang trời, tiếng í ới, quát mắng tranh giành địa bàn rầm vang cả núi rừng.

Một người dân ở bản Cắm cho biết, tình trạng khai thác vàng tại khu vực Khe Quỳa đã diễn ra từ nhiều năm trước với quy mô ngày càng lớn, dù lực lượng chức năng từ xã đến huyện rồi tỉnh đã nhiều lần lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý nhưng tình trạng chỉ tạm lắng xuống song đâu lại vào đấy.

“Ở đây nhà nhà làm vàng, người người làm vàng. Ruộng nương thì ít, hơn nữa dân ở đây bán và phá cả ruộng nhà mình để làm vàng. Gần như họ chẳng làm gì khác ngoài quanh năm đi đào vàng. Tôi cũng đi làm từ đầu năm đến giờ nhưng cũng chẳng được bao nhiêu” , một người dân bản Cắm Nọc tiết lộ.

Nói xong, người này dẫn chúng tôi đi dọc Khe Quỳa để thị sát các lán trại cùng những tốp khai thác vàng trái phép. Chúng tôi tiếp cận tốp chừng 20 người đang làm cùng với nhiều máy hút, được biết tốp này là người dân bản Cắm, họ tự góp tiền mua máy móc rồi đi làm vàng trái phép tại đấy. “Không có việc làm, ruộng thì ít nhưng lại có nhiều vàng dưới đất nên thấy họ làm mình cũng đi làm thôi. Ở đây dân chỉ làm vàng để kiếm sống thôi”, Lô Văn Toán, một trong những đối tượng đang khai thác vàng trái phép đúng dưới bãi khai thác nói vọng lên.

Tiếng máy móc gầm vang inh ỏi, hình ảnh công trường khai thác vàng trái phép tấp nập công khai khắp các khe suối, xóm làng. Dường như tình trạng khai thác vàng trái phép ở đây được xem như chuyện thường tình...!

(Còn nữa)

C.P (theo TN&MT)

Tin nổi bật