Hàng giả không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Bên cạnh đó, rất nhiều hàng giả hiện nay được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội và các sàn giao dịch.
Với sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở trong quản lý để tuồn hàng giả lên các nền tảng như Facebook, TikTok, Shopee, Lazada… Các sản phẩm bị làm giả được quảng bá bằng hình ảnh bắt mắt, giá bán thấp hơn thị trường từ 30-70%, khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa.
Theo thông tin tại cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 17/5, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng), từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Trong đó, hơn 8.200 vụ liên quan buôn bán, vận chuyển hàng cấm; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; và trên 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Gần 1.400 vụ đã bị khởi tố với hơn 2.100 bị can. Đáng chú ý, tổng số tiền thu nộp ngân sách vượt 4.897 tỷ đồng - một con số cho thấy mức độ phổ biến và nguy hiểm của các hành vi này.
Thiệt hại không thể đo đếm chỉ bằng tiền, quan trọng hơn là sức khoẻ và niềm tin của người tiêu dùng đang bị bào mòn. Khi người tiêu dùng hoang mang không biết nên tin vào ai, dùng sản phẩm nào; khi doanh nghiệp tử tế bị lấn át bởi các “chiêu trò giá rẻ” và hành vi tiếp thị lừa dối thì không thể xây dựng một nền kinh tế lành mạnh.
Phải xử lý nghiêm, thậm chí truy tố hình sự những kẻ tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất hàng giả. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/5, Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng buôn lậu, sản xuất và tiêu thụ hàng trăm tấn hàng giả không thể tồn tại nếu không có sự tiếp tay, dung túng hoặc buông lỏng trách nhiệm. "Chỉ có hai khả năng: hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm", ông nói.
Theo Tạp chí điện tử kinh doanh, trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý đã tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến biểu quyết thông qua ngày 11/6 tới. Trong đó có nội dung đề xuất tăng trách nhiệm của người nổi tiếng và người ảnh hưởng trong quảng cáo.
Góp ý, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất cần có một hệ thống chế tài mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, kết hợp giữa xử phạt tài chính, xử lý hình sự và các biện pháp bổ sung khác nhằm xử lý triệt để vấn nạn này.
Nhưng Chính phủ không thể hành động một mình. Để cuộc chiến chống hàng giả đạt hiệu quả bền vững, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội.
Theo báo Nhân dân, khi người tiêu dùng vẫn thiếu tỉnh táo, ham mua hàng giá rẻ và kẽ hở pháp luật chưa được lấp đầy, ma trận hàng giả sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, việc những người nổi tiếng như Hoa hậu quốc tế Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs bị khởi tố cho thấy, pháp luật đang ngày càng nghiêm minh hơn trong việc xử lý các đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.