Trong bối cảnh mà mọi doanh nghiệp (DN) đều ít nhiều chịu ảnh hưởng tiêu cực vì đại dịch Covid-19, người ta nói nhiều đến những cụm từ mang tính giải pháp như “chuyển đổi số”, “tái cấu trúc DN”, “phát triển bền vững”… Nhưng có một từ nữa luôn được nhắc đến hàng ngày, trong mọi cuộc khủng hoảng và bây giờ trong Covid-19 nó lại được nhắc đến nhiều hơn, đó là “văn hoá doanh nghiệp”.
Đế chế Khải silk sụp đổ sau hơn 30 năm gây dựng vì đánh mất đạo đức kinh doanh. |
Xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong Covid-19
Đặt vấn đề xây dựng văn hoá DN trong thời đại 4.0, PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng viện Văn hóa kinh doanh - cho rằng, xây dựng văn hóa công ty nên dựa trên ứng dụng công nghệ để tăng tính chia sẻ, gắn kết, tuy nhiên yếu tố con người vẫn phải là nền tảng chính chứ không làm nô lệ cho robot. Đó chính là niềm tin, đạo đức và sự kết nối.
“Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bắt buộc các vận hành phải nhanh chóng, thuận lợi, những lề thói chậm chạp, trì trệ sẽ không thể gọi là văn hóa. Mọi đối tác trên toàn cầu đều đánh giá văn hóa của DN qua tốc độ xử lý các thủ tục và giải quyết công việc. Nhưng để có được tốc độ trong cạnh tranh, mỗi nhân sự đều phải xuất sắc và muốn vậy, DN phải chăm lo các nền tảng văn hóa, tinh thần của mình", bà Liễu nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Vũ – Chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp, Giám đốc điều hành công ty Cổ phần Phát triển nội dung Blue C - chia sẻ, muốn biết một công ty có văn hoá DN hay không, hãy xem cách họ nói và cách họ làm có giống nhau không.
Đồng tình với nhận định trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch hội đồng khoa học với viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), Chuyên gia tư vấn thương hiệu - nhìn nhận, đúng là cách DN nói có đi đôi với làm hay không là biểu hiện rõ nét nhất của văn hoá DN. “Tôi đã từng tham dự một hội thảo có ông giám đốc trình bày rất hùng hồn về tính tuân thủ trong kinh doanh, nhưng khi bài tham luận kết thúc, màn hình máy tính của ông ấy hiện lên dòng chữ thể hiện rằng phần mềm ông ấy đang sử dụng chưa được mua bản quyền. Như vậy thì ai tin những điều ông ấy nói?”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Trong bản tham luận về đạo đức kinh doanh, ông Thịnh cũng đặt ra vấn đề, đạo đức kinh doanh là làm ra sản phẩm tốt, trung thực để cung cấp cho KH, nhưng như vậy vẫn chưa đủ, mà còn phải trung thực với đối tác và phải là người tiêu dùng có trách nhiệm không? Xây dựng thương hiệu không chỉ là quản trị dấu hiệu (logo, nhận diện) mà phải hướng đến quản trị tài sản thương hiệu, trong đó có vấn đề văn hoá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thành - Giám đốc điều hành công ty Tư vấn chiến lược CSCI Indochina - cho rằng, thương hiệu được hình thành từ cách hành xử, ứng xử của con người trong công ty, nên văn hóa là nền tảng của thương hiệu và ảnh hưởng sâu sắc tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Tôi ví dụ như văn hoá của hãng Apple thể hiện qua hệ biểu tượng quả táo cắn dở của họ. Nghĩ đến quả táo là người ta nghĩ đến quả táo Eva, nó là trái cấm. Apple muốn truyền thông điệp rằng sản phẩm của họ giá trị đến mức không ai chống lại được sự cám dỗ và phải sở hữu bằng được, giống như việc nhất định phải cắn một miếng táo cấm.
Hay là giai thoại về cà phê Trung Nguyên, khởi sự của họ là ông Lê Nguyên Vũ đạp xe kẽo kẹt đi giao cà phê. Ý chí của DN thể hiện từ các giai thoại. Ngày xưa ông Vũ đi xe đạp nhưng bây giờ ông ấy có cả một gia tài. Đó là câu chuyện tạo cảm hứng cho tất cả mọi người và nó chính là văn hoá DN giúp DN cạnh tranh và phát triển bền vững”, ông Thành nhận định.
Doanh nghiệp Việt xây dựng văn hoá công ty thế nào?
Nhìn lại sự sụp đổ của “đế chế” Khải silk và Asanzo vào năm 2017 và 2018 thì thấy rằng, mọi hành vi gian dối, lừa đảo khách hàng để kiếm lời bất chính của những ông chủ trước giờ luôn phát ngôn những lời có cánh về đạo đức kinh doanh thì đều dẫn đến kết cục bi đát.
“Đế chế” Khải silk sụp đổ hoàn toàn sau hơn 30 năm gây dựng, bản thân ông Khải cũng phải rao bán tài sản, từ biệt thự đến siêu xe. Và cho đến giờ, nhắc đến Khải silk, người ta chỉ còn nhắc đến một thương hiệu mạnh trong quá khứ. CEO Asanzo Phạm Văn Tam thì đang chật vật khởi sự kinh doanh dưới một cái tên khác. Thế còn các DN Việt hiện nay xây dựng văn hoá DN thế nào?
Là một người có kinh nghiệm tư vấn xây dựng văn hoá doanh nghiệp và chiến lược thương hiệu cho nhiều công ty lớn ở Việt Nam, chuyên gia tư vấn ông Lê Hoàng Vũ chia sẻ: “Tôi ví dụ như Vietnam Airlines luôn tự định vị thương hiệu là hãng hàng không của quốc gia, không chỉ bán chuyến bay mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị về hàng không.
Họ đề ra 5 giá trị văn hoá DN: An toàn là số 1, khách hàng là trung tâm, con người là tài sản... Thực tế họ nói được và làm được như vậy. Trong khi bị thiệt hại nặng nề vì Covid19, Vietnam Airlines vẫn nêu cao tinh thần “chiến binh Sen vàng”, thể hiện qua việc xung phong tại những chuyến bay giải cứu, sự đồng lòng giảm lương, giãn việc...
Hay như Viettel, họ mong muốn trở thành công ty dẫn dắt về chuyển động số ở Việt Nam. Triết lý kinh doanh của họ là “Khởi tạo thực tại mới”, không bao giờ nhìn về phía sau. Hãy xem Viettel làm gì trong giai đoạn Covid-19? Họ xây cầu truyền hình phục vụ Chính phủ chống dịch, hỗ trợ giải pháp công nghệ cho 11 quốc gia, miễn giảm cước truy cập internet cho học sinh học online, ...Rõ ràng họ đã cùng nhau khởi tạo thực tại mới”, ông Vũ chia sẻ.
Có mặt tại hội thảo nói trên còn có đại diện DN lớn của Việt Nam là tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Bà Vũ Thị Thu Hương - Phó ban Truyền thông Văn hoá của PVN - chia sẻ, DN này đang tái cấu trúc văn hoá DN từ sau những biến cố (liên quan đến những vụ việc lãnh đạo PVN vướng vòng lao lý, trong đó có ông Đinh La Thăng – PV).
“Thương hiệu PVN thời gian qua bị tổn thương, tất nhiên có những vấn đề phát sinh từ nội bộ nhưng cũng bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Quá trình tái tạo thương hiệu của PVN bản chất là hệ thống lại, làm mới, gạn đục khơi trong, tự đánh giá mình là ai. Đề án mới của chúng tôi về tái cấu trúc văn hoá DN ra đời từ 27/11/2019 hướng đến việc nhìn nhận lại văn hoá PVN, làm mới lại những gì mình đã có, hướng đến tuyên truyền cho nhân viên để họ nghe thấy, tin thấy và tin tưởng, mỗi vị trí đều góp sức cho sự phát triển của tập đoàn”, bà Hương chia sẻ.
“Khủng hoảng là phép thử của giá trị cốt lõi. Một ông CEO và anh bảo vệ chia sẻ nhau giá trị chứ không phải chỉ chia nhau bảng lương. Bởi vậy nhiệm vụ sống còn là phải định hình ra văn hoá DN và phải tạo ra môi trường để nuôi sống văn hoá ấy” - PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch hội đồng khoa học BCSI, Chuyên gia tư vấn thương hiệu. |
Minh Minh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số 149