Các bị can đã thực hiện hành vi pha trộn dung môi, hóa chất với chất kích RON, chất tạo màu vàng và xăng A95 để tạo ra xăng E5, xăng RON92 và RON95 giả. Các bị can đã "sản xuất" tổng cộng khoảng 350 triệu lít xăng giả để bán ra thị trường.
Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an Đắk Nông báo cáo với đoàn làm việc về vụ án - Ảnh: CAND |
Liên quan đến "đường dây xăng giả của đại gia Trịnh Sướng", Tuổi Trẻ Online thông tin, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo 389 quốc gia ở Đắk Nông chiều 18/7, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết đến nay Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố 28 bị can trong đường dây về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả".
Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, thông tin thêm kết quả ban đầu xác định các bị can đã thực hiện hành vi pha trộn dung môi, hóa chất với chất kích RON, chất tạo màu vàng và xăng A95 để tạo ra xăng E5, xăng RON92 và RON95 giả.
Sau khi xăng giả được "sản xuất" xong, các bị can đưa đi tiêu thụ trên nhiều tỉnh thành, thu lợi bất chính hàng chục ngàn tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, từ 1/1/2017 đến nay, số tiền các bị can dùng để mua dung môi, các chất làm tăng chỉ số Octan (Toluene, MTBE, NMA, Methanol...) là 4.200 tỉ đồng.
Các bị can đã "sản xuất" tổng cộng khoảng 350 triệu lít xăng giả để bán ra thị trường.
Các mẫu tang vật là xăng giả và hóa chất để pha chế xăng giả được Cơ quan điều tra thu giữ - Ảnh: Thanh Niên |
Báo Người lao động dẫn nguồn thông tin từ một lãnh đạo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết sau khi Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả, hiện ở một số tỉnh, thành tồn kho rất nhiều dung dịch có thể dùng để sản xuất xăng giả.
Ban chỉ đạo sẽ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề quản lý các dung môi này. Hiện nay, mục đích sử dụng, hạn mức, hạn ngạch nhập khẩu các dung môi có thể dùng để sản xuất xăng dầu giả đang có khoảng trống.
"Theo tính toán, 1 lít xăng bán với giá 20.000 đồng thì các đối tượng sản xuất xăng giả sẽ thu lợi 8.000 đồng, siêu lợi nhuận. Nếu không quản lý được, sau vụ Trịnh Sướng sẽ có người khác tiếp tục chế xăng giả. Các địa phương đã bắt rất nhiều nhưng chỉ xử lý được hành chính. Ngay vụ ở Nghệ An cũng không mở rộng được" - vị này cho biết thêm.
Liên quan đến vụ án này, báo Thanh Niên thông tin, tại cuộc họp báo thông tin định kỳ quý 2 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) ngày 18/7, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường và chất lượng (Bộ KH-CN) cho hay, năm 2018, khi kiểm tra, thanh tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu, ngành này đã phát hiện ra những thủ đoạn, hành vi gian lận chất lượng trong mặt hàng này.
"Tuy nhiên, do thủ đoạn hết sức tinh vi, thời gian các đối tượng thực hiện hành vi gian lận xăng dầu diễn ra các thời điểm, đặc biệt là xảy ra vào buổi tối và ban đêm, chúng tôi đã báo cáo Bộ KH-CN để phối hợp với các lực lượng chức năng tìm hiểu, điều tra, xác định các hành vi vi phạm. Từ đề xuất của Bộ KH-CN, nhận thấy dấu hiệu của vi phạm, ngành Công an đã điều tra và công bố thông tin về đường dây xăng giả”, ông Linh cho biết.
Theo ông Linh, trong quá trình điều tra, để đảm bảo bí mật, ngành KH-CN đã phối hợp chặt chẽ với Công an thử nghiệm hàng chục mẫu về chất lượng xăng dầu liên quan đến các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu… Toàn bộ thông tin đó, ngành KH-CN cung cấp cho bên Công an.
Theo Zing.vn, trước đó, cuối tháng 5, cảnh sát kinh tế của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông khám xét kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng của Petrol Mỹ Hưng do đại gia Trịnh Sướng làm chủ, tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Tại 6 địa điểm khám xét ở TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng từ ngày 30/5 đến 2/6, công an thu giữ hơn 3 triệu lít dung dịch các loại (gồm 2 triệu lít hỗn hợp pha chế xăng giả; 432.474 lít dung môi chưa pha; 250.000 lít dung dịch), 3 tàu thủy, 6 xe bồn, 5 máy bơm và 50 kg chất tạo màu. Ngày 5/6, Công an Đắk Nông khởi tố, ra lệnh tạm giam bị can Sướng cùng nhiều người khác về tội Sản xuất, mua bán hàng giả. |
Cự Giải (T/h)