Thành phần của lá tía tô
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec cho biết, tía tô là loại rau thơm phổ biến có tác dụng chữa bệnh. Trong y học cổ truyền tía tô có vị cay, tính ấm, vào 3 kinh phế - tâm - tỳ, kích thích ra mồ hôi.
Hạt tía tô có hàm lượng tinh dầu lớn, giàu các axit béo chưa bão hòa, chủ yếu là axit alpha-linoleic.
Lá tía tô chứa khoảng 0,2% tinh dầu nguyên chất và các hydrocarbon, aldehyde, ceton, furan... Chiết xuất lá tía tô có các chất chống oxy hóa, chống dị ứng, chống viêm giúp tái tạo mô tế bào, đặc biệt khi hấp thụ qua da bằng phương pháp xông hơi.
Tía tô là loại rau thơm phổ biến có tác dụng chữa bệnh. Ảnh minh họa
Ngoài ra, lá tía tô còn chứa nhiều protein thực vật, chất xơ, vitamin A, C cùng nhiều khoáng chất. Do đó tác dụng của lá tía tô giúp cơ thể tăng cường chuyển hóa và trao đổi chất.
Công dụng của lá tía tô với sức khỏe
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân chỉ ra những công dụng tiêu biểu của nước lá tía tô như sau:
Cải thiện bệnh về da
Uống nước lá tía tô có thể cải thiện tình trạng mẩn ngứa, mề đay trên da. Việc dùng loại nước này hàng ngày đặc biệt hiệu quả với việc đẩy lùi các triệu chứng buồn bực, ngứa ngáy ở người bị nổi mề đay.
Làm đẹp da
Hoạt chất Priseril ở lá tía tô có vai trò cải thiện sắc tố và loại bỏ tế bào chết trên da tương đối hiệu quả. Xét trên phương diện này thì lá tía tô giúp cho da trở nên đều màu và tươi sáng hơn.
Mặt khác, thành phần vitamin E trong lá tía tô còn tăng cường độ ẩm và giúp da trở nên mịn màng.
Nước lá tía tô có tác dụng làm đẹp da. Ảnh minh họa
Ngừa bệnh ung thư
Một lượng lớn luteolin, axit rosmarinic và triterpene trong lá tía tô được chứng minh có khả năng chống lại các tế bào ung thư đang tiềm ẩn bên trong cơ thể.
Hỗ trợ giảm cân
Nước từ lá tía tô có nhiều protein thực vật, khoáng chất, chất xơ và vitamin nên sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa của dạ dày từ đó giảm nguy cơ bị thừa cân và béo phì.
Hỗ trợ điều trị gout và tốt cho hệ tiêu hóa
Có đến 4 hoạt chất trong lá tía tô có thể làm giảm enzym xanthin oxidase - tác nhân làm hình thành axit uric gây ra bệnh gout.
Lý giải về lá tía tô có tác dụng gì qua các thử nghiệm được thực hiện cho thấy rằng, việc hàng ngày sử dụng chiết xuất từ lá tía tô sẽ cải thiện triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa, bệnh trào ngược dạ dày và chứng táo bón nhẹ ở hội chứng ruột kích thích.
Nước lá tía tô hỗ trợ điều trị gout và tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa
Ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp
Đã có nghiên cứu chứng minh dịch chiết xuất từ lá tía tô có thể ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2 bằng nhiều cách. Chính điều này khiến cho lá tía tô trở thành dược liệu tự nhiên thân thiện có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa sự sinh trưởng của virus SARS-CoV-2 cũng như các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác.
Ngoài ra, chiết xuất từ loại lá này còn điều trị bệnh hen suyễn rất tốt vì nó làm tăng khả năng lưu thông khí và cải thiện chức năng của phổi. Đây là thông tin được trích dẫn từ nghiên cứu đăng trên tạp chí Archives Of Allergy And Immunology.
Chống dị ứng, bảo vệ hệ tim mạch và thần kinh
Chiết xuất thu được từ lá tía tô có thể ngăn cản sự xuất hiện của phản ứng dị ứng bên trong cơ thể. Thành phần Omega-3 trong loại lá này tương đối cao nên chống viêm, chống oxy hóa tốt đồng thời cũng là nguồn năng lượng để tăng cường chức năng nhận thức của não bộ.
Nhờ đó mà chống lại nguy cơ mất trí nhớ ở người già. Đặc biệt, Omega-3 nếu được hấp thụ hàng ngày còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch.
Có nên uống nước lá tía tô hằng ngày
Theo VTC News, lá tía tô tuy tốt cho sức khỏe nhưng các chuyên gia khuyên không nên uống quá nhiều nước tía tô trong thời gian dài. Nếu uống nước lá tía tô quá nhiều và trong thời gian dài sẽ dẫn tới đầy hơi, chướng bụng, cơ thể suy nhược.
Bạn nên chia nhỏ lượng nước tía tô cho từng lần uống, mỗi đợt uống nước lá tía tô không nên uống quá lâu.
Trong lá tía tô cũng chứa nhiều axit oxalic, nếu uống thường xuyên sẽ tích tụ một lượng lớn axit oxalic trong cơ thể. Lượng axit oxalic lắng đọng trong cơ thể nhiều dễ gây tổn thương hệ thần kinh và hệ tiêu hóa.
Ai không nên uống nước lá tía tô?
Lá tía tô có tính ấm, những người có biểu hiện nóng trong nhiều, tốt nhất không nên uống vì có thể làm bệnh nặng thêm.
Ngoài ra, cá chép và tía tô cũng không nên kết hợp cùng nhau, tránh gây nóng, sinh ra mụn nhọt.
Cá chép và tía tô cũng không nên kết hợp cùng nhau. Ảnh minh họa
Nguyễn Linh (T/h)