Ukrainska Pravda đưa tin, sau khi lực lượng phòng không tuyên bố bắn hạ thêm 1 máy bay Su-34 của Nga vào ngày 2/3, Trung tướng Mykola O Meatchuk - Tư lệnh Không quân Ukraine đã đăng tải lên kênh Telegram cá nhân một ảnh chụp màn hình với thông báo rằng hiện không có bất kỳ tiêm kích Nga nào trên lãnh thổ của Ukraine mà chỉ có máy bay không người lái trinh sát đang hoạt động.
Sự kiện này cũng đánh dấu chuỗi bắn hạ máy bay chưa từng có của quân đội Ukraine. Chỉ trong vòng 13 ngày, lực lượng Ukraine đã bắn hạ tổng cộng 14 máy bay Nga bao gồm 11 tiêm kích Su-34, 2 tiêm kích Su-35 và 1 máy bay cảnh báo sớm tầm xa A-50.
Ngày 3/3, ông Yurii Ihnat - người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine xác nhận với Ukrainska Pravda rằng Nga rõ ràng đã giảm việc sử dụng máy bay trên nhiều mặt trận. Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ khi cuộc xung đột giữa hai bên nổ ra nhưng nó là kết quả của hoạt động tác chiến hiệu quả gần đây của Không quân Ukraine.
Máy bay phản lực Su-34 bị bắn rơi hồi tháng 12/2023. Ảnh: EurAsian Times
Trong một tuần sau khi Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố bắn rơi một máy bay cảnh báo sớm tầm xa A-50 do Nga triển khai ở vùng Krasnodar Krai, không có bất kỳ chiếc máy bay cùng loại nào được phát hiện gần biên giới nước này.
"Các biện pháp đối phó của đối tác phương Tây cung cấp cho Ukraine đã tỏ ra hiệu quả. Điều này được thể hiện rõ qua số lượng máy bay Nga bị bắn hạ trong tháng 2. Ưu tiên hiện nay là bảo vệ các vùng lãnh thổ tiền tuyến khỏi việc đối phương sử dụng bom dẫn đường”, ông Ihnat lưu ý.
Các máy bay bị bắn hạ trong những ngày qua đều là những tiêm kích chủ lực và thường xuyên được Nga triển khai trong cuộc xung đột với Ukraine. Su-34 là máy bay phản lực 2 động cơ, 2 chỗ ngồi, được coi là một trong những loại máy bay phức tạp nhất trong kho vũ khí của Moscow. Được Nga đưa vào sử dụng từ năm 2014, tiêm kích Su-34 có thể mang theo 180 viên đạn cho pháo GSh-301 cỡ 30mm với tốc độ bắn tối đa 1.500 viên/phút.
Su-35 là máy bay chiến đấu đa chức năng một chỗ ngồi, có thể mang tên lửa không đối không, không đối đất và chống hạm. Cả hai loại máy bay Su - 35 và Su-34 đều được phát triển bởi nhà sản xuất máy bay Sukhoi của Nga.
Trong khi đó, máy bay cảnh báo sớm A-50 hay còn gọi là “mắt thần Nga” với khả năng phát hiện các hệ thống phòng không, phóng tên lửa dẫn đường và điều phối mục tiêu cho máy bay chiến đấu cũng đã đem đến những lợi thế quan trọng cho quân đội Nga.
Mỗi chiếc A-50 có giá khoảng 330 triệu USD. Ông Sergei Chemezov - người đứng đầu Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga gần đây cho biết họ đang có kế hoạch khôi phục hoạt động sản xuất sản máy bay cảnh báo sớm trên không A-50, vì nhu cầu từ Lực lượng Vũ trang Nga cũng như nhu cầu cao về việc xuất khẩu.
Phương Uyên (Theo Pravda)