Top War đưa tin, kênh Telegram AnnaNews mới đây đã chia sẻ hình ảnh một tên lửa chống radar AGM-88 HARM của Mỹ được các lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng để tấn công hệ thống phòng không Nga.
Tên lửa AGM-88 HARM của Mỹ được Ukraine sử dụng để tấn công Nga. Ảnh: Top War
Theo hình ảnh được đăng tải, thời hạn bảo hành của tên lửa là ngày 31/10/1995, tức gần 30 năm trước. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến tên lửa bị rơi và không thể tiếp cận mục tiêu tấn công.
Các nguồn tin của Nga cho hay, đây không phải là lần đầu tiên tên lửa AGM-88 HARM được Ukraine sử dụng để tấn công Nga. Trước đó, mùa hè năm 2022, quân đội Nga cũng đã tìm thấy một tên lửa hết hạn bảo hành từ năm 1991, nhưng vẫn được Ukraine sử dụng.
Phía Lầu Năm Góc xác nhận việc cung cấp tên lửa chống radar AGM-88 cho Ukraine vào tháng 8/2022. Được biết, Kiev đã tích hợp thành công tên lửa HARM vào tổ hợp vũ khí của tiêm kích MiG-29.
HARM là vũ khí mạnh mẽ nhưng không phải là vũ khí mới. AGM-88 HARM là tên lửa chống radar tốc độ cao được Không quân và Hải quân Mỹ đưa vào biên chế từ năm 1985. Tên lửa được thiết kế để phát hiện, tấn công phá hủy đài radar và thiết bị phát xung radar (anten).
Mỗi tên lửa AGM-88 có giá 284.000 USD, dài 4,1 m, nặng 355 kg, mang đầu đạn nổ phá mảnh nặng 66 kg, đạt tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa gần 2.300 km/h. Tên lửa được trang bị một động cơ đẩy nhiên liệu rắn không khói với tốc độ trên Mach 2.0, tầm bắn tối thiểu là 25 km và tầm bắn tối đa đạt 150 km.
Tên lửa AGM-88 HARM có thể gây rắc rối cho hệ thống radar phòng không của Nga, bảo vệ các trực thăng và chiến đấu cơ của Ukraine, đồng thời gây khó khăn cho hệ thống radar đối kháng của Nga trong việc xác định vị trí pháo binh của Ukraine.
AGM-88 có 3 biến thể là: AGM-88A, AGM-88B và AGM-88C. Phần đầu đạn của 2 biến thể A và B chứa 25.000 mảnh thép nhỏ, chất nổ, ngòi nổ. Phần đầu đạn của AGM-88C có 2.845 mảnh vonfram và một lượng lớn thuốc nổ cấp độ cao hơn, có khả năng sát thương lớn hơn.
Mỹ đã sử dụng tên lửa AGM-88 trong một vài chiến dịch ở Libya, Iraq. Hiện nay, tên lửa này được sử dụng tại 15 quốc gia.
Mộc Miên (T/h)