Ukrainska Pravda dẫn thông tin từ Thủ tướng Séc Petr Fiala mới đây cho biết 15 quốc gia EU sẵn sàng tham gia sáng kiến của nước này về việc giải quyết vấn đề thiếu đạn dược, đặc biệt là đạn pháo cho Ukraine.
“Sáng kiến của Séc nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một số quốc gia”, ông Fiala nói sau một hội nghị thượng đỉnh không chính thức về hỗ trợ Ukraine ở Paris (Pháp) đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ đối với Nga”.
Trước đó, Tổng thống Séc Petr Pavel cho biết nước này đã tìm ra cách để mua 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine nhưng cần phải có nguồn tài trợ để thực hiện việc này. Nếu thành công, số đạn pháo này có thể được gửi tới Ukraine trong vài tuần.
Thủ tướng Séc Petr Fiala. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết đề xuất của Séc phù hợp với các chính sách trước đây của EU và thông báo rằng Paris sẽ tham gia sáng kiến này. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết sẽ phân bổ hơn 100 triệu euro để thực hiện kế hoạch của Séc và “các nước khác sẽ làm điều tương tự”.
“Về đạn dược, Séc có sáng kiến rất tốt trong việc mua đạn dược và đạn pháo từ khắp nơi trên thế giới cho Ukraine”, ông Rutte giải thích nhưng từ chối nêu rõ quốc gia nào ngoài châu Âu có thể tham gia sản xuất loại đạn pháo cho Ukraine.
Một số quốc gia bao gồm Pháp, Đức và Ý gần đây đã ký các thỏa thuận an ninh song phương với Kiev. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Ukraine, đặc biệt là liên quan đến việc cung cấp đạn pháo.
Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa - người cũng có mặt tại Paris đảm bảo rằng các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ trình bày "một kế hoạch cụ thể trong vòng 10 ngày tới nhằm tăng cường khả năng đặt mua đạn dược để hỗ trợ các nỗ lực quân sự của Ukraine".
Ukraine chật vật vì thiếu đạn dược. Ảnh: Radar Armenia
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang chật vật đối phó với tình rạng thiếu đạn pháo và buộc phải thu hẹp lại một số hoạt động trong thời gian gần đây. Đặc biệt là việc Ukraine rút quân khỏi thành phố Avdiivka để bảo toàn lực lượng và đạn dược.
Chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi – chỉ huy nhóm tác chiến Tavriia của quân đội Ukraine trước đó thừa nhận với Reuters rằng quân đội nước này đang thiếu đạn pháo, đặc biệt là đạn loại 122 mm và 152 mm và vấn đề này tồn tại trên toàn bộ chiến tuyến.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các quốc gia phương Tây đã liên tục viện trợ Kiev vũ khí và đạn dược bất chấp lời cảnh báo điều này có thể làm căng thẳng giữa các bên thêm leo thang. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, các nước này bắt đầu thừa nhận rằng các kho dự trữ đã cạn kiệt.
Đầu tiên là Anh, sau đó là Pháp ngừng gửi viện trợ từ kho dự trữ cho Ukraine. Kho dự trữ đạn 155mm của Lầu Năm Góc đã cạn kiệt vào mùa hè năm ngoái, khiến Tổng thống Joe Biden phải gửi cho Ukraine một số đạn chùm. Trong khi đó, EU không đạt được cam kết cung cấp 1 triệu viên đạn cho Ukraine trước tháng 3/2024.
Phương Uyên (Theo Pravda)