Trả lời phỏng vấn với hãng tin Fox News của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông mong muốn nhận được sự đảm bảo an ninh từ nhiều quốc gia, bao gồm cả các thành viên NATO và các nước không thuộc NATO. Cụ thể, ông Zelensky chia sẻ: "Chúng tôi cần sự đảm bảo an ninh từ các quốc gia hàng đầu. Chúng tôi muốn những quốc gia muốn tham gia điều này một cách công khai cùng Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ".
Nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm: "Tôi chỉ nêu tên những quốc gia đã nói rằng họ sẵn sàng trở thành người bảo lãnh, hoặc những người mà chúng tôi đã liên hệ và đã trao đổi một số dự thảo ban đầu của các tài liệu về việc bảo lãnh".
Theo lời ông Zelensky, các quốc gia đã đề nghị trở thành quốc gia bảo lãnh cho Ukraine có cả Israel và Ireland. Bên cạnh đó, tổng thống Ukraine cho biết ông mong muốn Trung Quốc cũng tham gia vào hoạt động này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: EPA
Đồng thời, ông Zelensky cũng thừa nhận rằng ông cần "Nga có được vị trí trong thỏa thuận đó, vì đây sẽ là thỏa thuận giữa Ukraine và Nga". Theo ý kiến của ông, Nga "cần bị ràng buộc" bởi hiệp ước, bởi vì nước này là một phần trong cuộc xung đột hiện nay.
Ông Alexander Chaly, một thành viên của phái đoàn Kyiv, nói rằng Ukraine đồng ý áp dụng quy chế trung lập và phi hạt nhân hóa nếu nước này được đảm bảo an ninh, "về nội dung và hình thức phải tương tự như Điều 5" của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Theo ông Chaly, các bảo đảm nên bao gồm dự kiến hỗ trợ quân sự và thiết lập khu vực cấm bay sau 3 ngày tham vấn để theo đuổi một giải pháp ngoại giao.
Phía Kyiv chỉ ra những người bảo lãnh có thể bao gồm các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (tức là có cả Nga) và các nước Đức, Israel, Ý, Canada, Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông David Arakhamiya, người đang tham gia cuộc đàm phán, tiết lộ sự đảm bảo của này sẽ không bao gồm Crimea và Donbass.
Trong ngày 1/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow đã kêu gọi cung cấp các đảm bảo an ninh cho Nga, Ukraine và tất cả các nước châu Âu.
Trước đó, ngày 29/3, các phái đoàn Nga và Ukraine đã nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau cuộc gặp, ông Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn Nga tại cuộc hội đàm, cho biết Moscow đã nhận được từ Kyiv các đề xuất bằng văn bản về một thỏa thuận song phương trong tương lai.
Ông nói thêm rằng sau khi nghiên cứu tài liệu, Nga sẽ đưa ra các đề xuất của riêng mình. Ngoài ra, theo lời của ông, Moscow đang thực hiện "hai bước đối với" Kyiv và gợi ý rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky có thể được tổ chức sớm hơn dự định, hoặc cùng thời điểm với việc ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai bộ trưởng ngoại giao. Đồng thời, quân đội Nga sẽ thu nhỏ các hoạt động bên ngoài Kyiv và Chernihiv.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/2 đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine theo yêu cầu giúp đỡ của lãnh đạo hai nước cộng hòa Donbass. Ông nhấn mạnh rằng Moscow không có kế hoạch chiếm đóng các lãnh thổ Ukraine, mục tiêu duy nhất của họ là phi quân sự hóa Ukraine.
Minh Hạnh (Theo TASS)