Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính & Theo dõi thi hành Pháp luật - Bộ Tư pháp và Tổng cục Hải quan đã cùng tham dự cuộc họp để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, luật sư Lê Đình Vinh về chính sách và thuế suất 5% đối với mặt hàng xi măng xuất khẩu.
Liên quan tới vấn đề chính sách và thuế suất 5% và không hoàn thuế VAT 10% đối với mặt hàng xi măng xuất khẩu, chiều ngày 04/5, tại trụ sở Báo Đời sống & Pháp luật đã diễn ra cuộc họp giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty tư vấn luật Vietthink về những bất cập của chính sách nêu trên.
Ông Lưu Mạnh Tưởng - Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) |
Trong đó, phía cơ quan quản lý nhà nước có đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan; Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội; Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp. Phía cộng đồng doanh nghiệp gồm đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam; Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Công ty cổ phần Vicem Thương mại xi măng, Công ty Xi măng Bút Sơn, Công ty thương mại URI, Công ty cổ phần Nhịp Cầu Thế Giới.
Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty tư vấn luật Vietthink |
Với mục đích góp phần giúp các cơ quan giám sát thực thi pháp luật (cụ thể là Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp) có thêm thông tin đa chiều, đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội được trao đổi trực tiếp với đơn vị chức năng thực thi pháp luật liên quan đến thuế suất xi măng xuất khẩu để cùng tìm hướng giải quyết tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế, trước những phản ánh về vấn đề thuế suất xi măng 5% và không hoàn thuế 10% với xi măng xuất khẩu cũng như mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, luật sư, đại diện các cơ quan, đơn vị thực thi quyền giám sát thi hành pháp luật cùng đại diện Tổng cục Hải quan đã có những ghi nhận, trao đổi và phản hồi ý kiến trực tiếp.Như vậy, đây là lần đầu tiên, các đơn vị có chức năng giám sát việc thực thi pháp luật là Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính & Theo dõi thi hành Pháp luật - Bộ Tư pháp đã tham gia vào cuộc đối với vấn đề này.
Đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp |
Như đã phản ánh trước đó, hiện nay, mặt hàng xi măng nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên bị áp mức thuế xuất khẩu 5% và không được hoàn thuế xi măng 10%. Điều này đã gây ra các phản ứng trái chiều từ phía Luật sư và Doanh nghiệp. Họ cho rằng, chưa có căn cứ để áp mức thuế này đối với mặt hàng xi măng. Và trong tình thế ngành xi măng đang gặp khó khăn trước sức ép cạnh tranh khốc liệt và có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng, thì mức thuế này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào bờ vực phá sản.
Chi tiết từng vấn đề và kết quả đạt được của cuộc họp, Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục cung cấp tới độc giả trong những bài viết tiếp theo./.