Hiện nay, xi măng bị áp thuế 5% đang được cho là vì xi măng là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm. Theo ông Nguyễn Quang Cung, xi măng là sản phẩm, không phải là vật tư, nguyên liệu hay bán thành phẩm nên không thể chịu thuế xuất khẩu 5%.
Theo thông tin từ Tổng Cục hải quan, việc áp thuế 5% đối với mặt hàng xi măng dựa trên căn cứ quy định tại Khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng chịu thuế ban hành kèm theo Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 2016 và căn cứ quy định tại mục 211 phụ lục 1 Nghị định 122/2016/NĐ-CP. Theo đó: “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có mức thuế xuất khẩu 5%.
Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam. |
“Tuy nhiên, hệ thống luật thực định về xuất nhập khẩu chưa có quy định nào giải thích, “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm” là gì, do đó, không thể tùy tiện xếp xi măng vào nhóm 211 phụ lục 1 Nghị định 122 nói trên được”, ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết.
Theo ông Cung, xi măng được các công ty thương mại (không có ngành nghề kinh doanh xây dựng) mua về nhằm mục đích bán cho các thương nhân khác, thì xi măng được gọi là “hàng hóa”, vì việc mua bán xi măng nhằm mục đích sinh lợi. Khi tham gia quan hệ xuất nhập khẩu, xi măng được gọi là “hàng hóa xuất nhập khẩu”, “mặt hàng xuất khẩu’, “mặt hàng nhập khẩu”. Mà hàng hóa thì khác với “vật tư”, “nguyên liệu”.
Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng cho biết: chỉ trong những quan hệ nhất định, xi măng mới được gọi là “Vật tư, nguyên liệu”. Ví dụ: khi xi măng đang trong kho của một công ty xây dựng, mua về để phục vụ việc xây nhà của công ty này, người ta có thể gọi xi măng là “vật tư”. Khi xuất ra khỏi kho của công ty, bàn giao cho các đội xây dựng để thi công, xi măng không còn được gọi là “Vật tư” nữa, mà được gọi là “nguyên liệu” (cách gọi không phổ biến) hoặc vật liệu xây dựng (cách gọi phổ biến hơn).
“Mặt hàng xi măng là mặt hàng phổ biến trong quan hệ xuất nhập khẩu hàng hóa trên thế giới, có mã HS là 2523. Việc không đưa một mặt hàng có mã HS rất rõ ràng như thế vào một nội dung cụ thể trong danh mục thuế suất, khó có thể giải thích là, do nhà làm luật “quên”. Sẽ thuyết phục hơn, nếu cho rằng, nhà làm luật đã không có ý định thay đổi thuế suất thuế xi măng 0% như chính sách hiện tại, nên quyết định không đưa vào”, ông Cung cho biết thêm.
Trước đó, trên doisongphapluat.com, Chủ tịch Hiệp hội xi măng cũng đã phân tích lý do vì sao xi măng không phải là bán thành phẩm. Nay theo ông Cung, xi măng xuất khẩu không phải là vật tư, nguyên liệu mà là hàng hóa nên cần loại xi măng ra khỏi phạm vi điều chỉnh của mục 211 phụ lục 1 Nghị định 122/2016/NĐ-CP.