Đó là nhận định của Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu Đào Thu Hương trong buổi làm việc với phóng viên ngày 15/3 vừa qua.
Theo Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Đào Thu Hương, mục tiêu của chính sách là hướng tới tài nguyên khoáng sản, đây sẽ là vấn đề cốt yếu để bảo đảm nguồn tài nguyên, thiên nhiên, nhất là những nguồn tài nguyên không thể tái tạo được. Để làm được điều đó phải khuyến khích xuất khẩu các mặt hàng chế biến sâu.
Phó Cục trưởng Cục thuế xuất nhập khẩu Đào Thu Hương. |
“Tuy nhiên, than nhập khẩu nói riêng, các tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và các năng lương khác nếu được nhập khẩu từ nước ngoài mà vẫn không được loại ra khỏi công thức tính giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng thì phía Tổng Cục hải quan sẽ kiến nghị với các cơ quan có liên quan để xử lý vấn đề này”, Phó Cục trưởng cho biết thêm.
Cũng theo bà Hương, từ chủ trương của luật, từ quan điểm của chính sách, cho đến trong quá trình triển khai thực tế sẽ xuất hiện vướng mắc, những việc đó thì không thể tránh khỏi được bởi vì một chính sách mới ra đời nó sẽ tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Trước đó, vào ngày 9/1 năm ngoái, mặt hàng xi măng bị áp thuế xuất khẩu nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên và không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xi măng xuất khẩu. Các cơ quan chức năng viện dẫn đến quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Nghị định 122/2016/NĐ-CP để áp thuế xuất 5% theo đó “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm nếu có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” sẽ bị áp thuế xuất khẩu 5%.
Mặc dù đến nay chưa rõ thế nào là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm nhưng các cơ quan có thẩm quyền vẫn tiến hành áp thuế xuất khẩu 5% đối với xi măng. Chưa kể đến, than nhập khẩu nói chung, các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và năng lượng khác nói chung nếu được nhập khẩu từ nước ngoài về vẫn không được khấu trừ khỏi việc tính tỷ lệ tài nguyên, khoáng sản và chi phí năng lượng trong sản phẩm xi măng. Điều này được các chuyên gia cho là chưa thống nhất với mục tiêu hạn chế “chảy máu” tài nguyên, khoáng sản trong nước.
Thiết nghĩ, câu trả lời của phía Tổng Cục Hải quan chưa giải tỏa được cơn khát thông tin của độc giả nhưng việc Tổng Cục hải quan tổ chức cuộc gặp gỡ với báo chí để lắng nghe những bất cập, hạn chế về chính sách, về pháp luật và quá trình thực thi, áp dụng pháp luật liên quan đến mặt hàng xi măng xuất khẩu là những tín hiệu lạc quan của chủ trương xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển của chính phủ.