(ĐSPL) – Song song với công cuộc chạy đua vũ khí hạng nặng giữa các cường quốc, quân đội các nước đang tăng cường phát triển vũ khí vũ trang cho bộ binh. Các nhà khoa học đã chứng minh, vật thể tưởng chừng như đơn giản nhất là… mũ bảo hiểm lại có thể trở thành yếu tố nòng cốt quan trọng trong mọi cuộc chiến…
Mũ Iron Vision cải thiện đáng kể việc quan sát toàn cảnh xung quanh thực địa bên trong xe bọc thép. - Ảnh: Military Today. |
“Mắt thần” nhìn xuyên lớp giáp bọc thép
Tạp chí Defense Update đưa tin, tập đoàn Quốc phòng quốc tế Elbit Systems (trụ sở tại Israel) sẽ cho ra mắt mũ bảo hiểm với công nghệ được ví như “mắt thần” có khả năng nhìn xuyên lớp giáp xe tăng. Sản phẩm này mang tên Iron Vision và sẽ được “trình làng” vào giữa tháng Sáu.
Với công nghệ tương tác thực tế ảo hiện đại, Iron Vision dự kiến là sản phẩm đầu tiên cho phép người đội quan sát toàn bộ khung cảnh xung quanh trong thời gian thực chiến, ngay cả khi đang ngồi trong những chiếc xe bọc thép đồ sộ nhất.
Với trường quan sát lên đến 360 độ, chiếc mũ Iron Vision sẽ khắc phục những hạn chế về khả năng quan sát xung quanh của các mẫu xe tăng thiết giáp từ bao lâu nay. Dự kiến với công nghệ mới này, các binh sỹ bên trong xe tăng có thể quan sát dễ dàng mọi mục tiêu, bất kể vào ban ngày hay ban đêm, bất chấp mọi loại hình thời tiết.
Các kỹ sư của tập đoàn Elbit hé lộ, mũ Iron Vision áp dụng nguyên lý hoạt động của mũ bay tích hợp dùng cho các loại máy bay chiến đấu. Bên trong mũ có đầy đủ hệ thống cảm biến kết nối với não của người đội. Cảm biến này được kết nối với một trạm cảm biến tìm kiếm được lắp bên ngoài xe. Mục tiêu sẽ phát quang và hiển thị dưới dạng tia hồng ngoại trong phạm vi nhất định.
Đặc biệt, trạm cảm biến bên ngoài xe tăng sẽ quay theo cử động đầu của người đội giúp thu lại hình ảnh màu sắc với độ phân giải cao. Những thông tin từ các nguồn kỹ thuật số khác nhau cả bên trong lẫn xung quanh xe, mọi vật lớn nhỏ chuyển động trong phạm vi 300m cũng đều bị phát hiện. Nhờ đó, binh lính có thể quan sát toàn cảnh chiến trường dễ dàng.
Với kết cấu và hệ thống cảm biến hiện đại trên, mũ bảo hiểm Iron Vision phù hợp để trang bị cho binh sỹ điều khiển mọi loại xe tăng chủ lực hoặc xe chiến đấu bộ binh, thậm chí dưới tầng hầm. Họ có thể vừa quan sát toàn cảnh biến chuyển ngoài chiến trường, vừa đảm bảo chắc chắn sự an toàn của mình mà không phải “ló” ra ngoài.
Số liệu về các đối tượng mục tiêu được cập nhật và theo dõi liên tục khiến Iron Vision là sản phẩm hoàn hảo cho các binh sỹ tính toán, xử lý mọi tình huống phức tạp trong từng giây phút, không phải phụ thuộc vào nhiều bộ phận khác khi đang lái xe.
Cơ chế hoạt động của mũ Iron Vision giống như những chiếc kính 3D, tạo cho người đội cảm giác giống như nhìn xuyên qua lớp giáp xe tăng, để quan sát quang cảnh bên ngoài. Cảm biến thông minh tự động giúp chiếc mũ này “quét” sạch mọi đối tượng đứng yên hay chuyển động từ phạm vi gần đến xa.
Giới chuyên gia quân sự nhận định mũ Iron Vision như “mắt thần” giúp các binh sỹ nâng cao nhận thức tình huống, chủ động phản ứng nhanh trước mọi mối đe dọa mà xe tăng thiết giáp vốn khó đối phó từ bao lâu nay. Các chuyên gia của tập đoàn Elbit Systems đều tự hào với chiếc mũ công nghệ mới này. Trước đó, tập đoàn Elbit chuyên phát triển các thiết bị điện tử dùng cho nhiệm vụ tình báo, giám sát, chỉ huy và truyền thông của quân đội các nước.
Cuộc chạy đua mũ “thông minh”
Telegraph (Anh) dẫn phóng sự thực tế của chuyên viên quốc phòng Ben Farmer về những vũ khí thần kỳ gợi mở cuộc cách mạng cho xu hướng chiến đấu mới trong tương lai cho các binh sỹ, lính chiến đấu đặc nhiệm trên thế giới.
Đó là chiếc mũ bảo hiểm được thiết kế với mọi công nghệ tối ưu nhất mang tên Q-Warrior. “Đội chiếc mũ lên đầu, tầm nhìn của tôi bị che phủ bởi những vòng xoáy tia ánh sáng neon, những con số và dấu hiệu gợi nhớ đầy thông tin như các trò chơi điện tử hiện đại.
Mọi thông số về đồ vật được biểu diễn như một bản đồ, thông tin cập nhật liên tục mỗi bước tôi di chuyển”, Ben mô tả lại trải nghiệm của mình. Tuy nhiên, đây không phải những tiện ích duy nhất của chiếc mũ bảo hiểm thần kỳ này. Q-Warrior được thiết kế để phục vụ những người lính đặc nhiệm, các phi công máy bay phản lực hay máy bay chiến đấu.
Những chiếc mũ này đã được sáng chế bởi các kỹ sư người Anh và được thử nghiệm bởi lực lượng quân đội Mỹ từ cuối năm 2014. Theo kỳ vọng của các chuyên gia quân sự, họ mong muốn chiếc mũ này sẽ hoàn tất các cuộc thử nghiệm và đi vào sử dụng trong năm 2017.
Về cơ chế hoạt động, hệ thống điện tử truyền dữ liệu thông minh sẽ cung cấp hàng loạt chùm thông tin chi tiết khác nhau cho người đội. Người sử dụng sẽ được trải nghiệm màn hình trong suốt độ nét cao được trang bị bên trong mũ, công nghệ mà các nhà sáng chế đã mất hơn 10 năm phát triển để màn hình này hiển thị hình ảnh 3D nổi từ ngoài thế giới thực.
Chi tiết các thông tin định vị mục tiêu trên hệ thống còn phân biệt mọi kẻ thù, đồng đội hay mối nguy hiểm đáng chú ý tại khu vực xung quanh. Những hình ảnh này đều dễ quan sát được ngay cả trong bóng tối với sự hỗ trợ của camera hồng ngoại. Các hình ảnh ở màn hình được tập trung tại vị trí phù hợp để tránh gây mỏi mắt cho người sử dụng.
Thậm chí, các nhà phát triển quân sự đã so sánh công nghệ hiện tại của QWarrior với chiếc mũ trong bộ giáp chiến binh nổi tiếng trong bộ phim khoa học viễn tưởng Iron Man. Bên cạnh phiên bản được sử dụng phần lớn cho các chỉ huy xe tác chiến, máy bay chiến đấu hoặc lực lượng đặc biệt, các chuyên gia đang nghiên cứu sáng tạo ra phiên bản “rút gọn” của loại mũ thần kỳ này nhằm trang bị cho hầu hết binh sỹ trong quân đội các nước.
Ông Paul Wright, kỹ sư tham gia dự án nghiên cứu mẫu mũ Q-Warrior cho biết: “Quân đội toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ đang tìm cách trang bị những vũ trang mới nhất cho bộ binh sau một thế kỷ từ thời Thế chiến I. Chỉ cần có thông tin ban đầu của một sự việc, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác tất cả hồ sơ xâu chuỗi lịch sử của chúng theo ý muốn. Công nghệ từ những bộ phim viễn tưởng đang dần trở nên khả thi ngoài đời thực”.
Ngoài ra, với những công nghệ hiện đại lấy cảm hứng từ những bộ phim viễn tưởng, các nhà sáng chế đang nghĩ ra nhiều phiên bản mới cho những loại mũ bảo hiểm thông dụng này. Cụ thể, các nhà nghiên cứu Hải quân Mỹ cũng đang tạo ra một chiếc mũ bảo hiểm chuyên để lặn trong tương lai gọi là DAVD.
Tương tự như các mẫu trên, những chiếc mũ này giúp thợ lặn thu được hình ảnh của tất cả mọi thứ dưới lòng đại dương cùng thông tin, thông số kỹ thuật chi tiết cụ thể của chúng. Điểm nổi bật là tất cả thông tin cần thiết về bất kỳ loài vật, đồ vật nào cũng hiển thị ngay trên màn hình của người sử dụng như mô phỏng các trò chơi điện tử.
“Bạn có thể nắm bắt thông tin của vạn vật trên thế giới chỉ trong chiếc mũ bảo hiểm”, Dennis Gallagher, kỹ sư dự án phát triển mũ bảo hiểm lặn hé lộ. Ông Gallagher cùng 20 thợ lặn đã miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm những công nghệ mới nhất cho sản phẩm này. Dự kiến kế hoạch thử nghiệm mô phỏng dưới mực nước sâu sẽ được diễn ra trong tháng Mười tới.
PHƯƠNG HÀ (Theo Telegraph, Defense Update)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]OpbJxQHAXz[/mecloud]