Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ vụ Hải "Idol", công an khuyến cáo chiêu trò của các "nhà sáng tạo nội dung"

  • Bảo An (T/H)
(DS&PL) -

Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội đang dần trở thành xu hướng của giới trẻ. Tuy nhiên nhiều người lại lợi dụng thực hiện chiêu trò câu view dẫn đến phạm pháp.

Như đã đưa tin về vụ khởi tố và bắt tạm giam đối với Phạm Đức Hải (sinh năm 1996, trú huyện Gia Lộc, Hải Dương). Phạm Đức Hải còn được biết đến với danh xưng là Hải "Idol", một hot Tiktoker nổi tiếng với nhiều chiêu trò trên mạng xã hội.

Cùng với Hải, có 3 đối tượng khác cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Gây rối trật tự công cộng.

Quá trình điều tra, Công an huyện Gia Lộc xác định Phạm Đức Hải là người sáng tạo nội dung, sử dụng nhiều tài khoản để bán hàng online trên nền tảng Facebook, TikTok…

Người này sở hữu Fanpage “HẢI IDOL Vượt Khó” có 442.000 lượt theo dõi; tài khoản Facebook “Phạm Đức Hải” có 92.000 người theo dõi; tài khoản Facebook “HẢI IDOL VƯỢT KHỔ” có 123.000 lượt theo dõi; kênh TikTok “AELIMITED” có 4.500.000 lượt thích… Những nội dung Hải đăng tải có lượng tương tác khá lớn, đặc biệt là sự quan tâm của giới trẻ.

Hải "Idol" là một trong rất nhiều người dùng chiêu trò để câu like, câu view.

Thời gian gần đây, nhiều người nổi tiếng trên mạng xã hội có hành động tương đồng với Hải "Idol" không phải ít. Họ không ngần ngại bày ra nhiều chiêu trò nhằm mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Thậm chí để câu view, câu like, những người này còn có ý định thực hiện những việc làm càng độc lạ, càng khác người... lại càng thu hút.

Nhưng chính những việc làm này lại có mặt trái của nó đó là khi vượt quá giới hạn có thể chạm đến danh giới của hành vi vi phạm pháp luật. 

Chia sẻ trên VietNamnet, Thượng tá Nguyễn Tuấn Hưng, Trưởng Công an TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) nhận định: Những người có sức ảnh hưởng trên MXH vi phạm nguyên tắc cộng đồng, vi phạm pháp luật sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến nhận thức của giới trẻ. 

Đặc biệt, khi nhiều học sinh ở tuổi vị thành niên đang học theo những thần tượng trên MXH. Do đó, nếu các nhân vật nổi tiếng sản xuất, đăng tải những nội dung tiêu cực, có hại, tác động tới nhận thức của giới trẻ theo hướng sai lệch sẽ để lại hệ lụy cho xã hội. 

“Việc các đối tượng lợi dụng hình ảnh và không gian mạng để làm những ra hành động vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh. Càng nổi tiếng thì các nhân vật đó càng phải tuân thủ pháp luật. Hành vi vi phạm của các “Idol” mạng nếu không bị xử lý sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nhận thức và công tác giáo dục của giới trẻ không chỉ riêng ở Hải Dương mà đối với toàn quốc.

Trở lại câu chuyện của "Hải Idol" khi dàn dựng cảnh dừng đoàn xe sang trên đường để tạo trò câu like là xâm phạm đến lợi ích cộng đồng. Đó không dừng lại ở trò mua vui, giải trí đơn thuần mà lan rộng hành động phạm pháp. Hải bị Công an Gia Lộc bắt giam, thể hiện tính răn đe cao của luật pháp”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng nói về vấn đề này, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Hải Dương Thượng tá Vũ Dương Tường đã nêu ra hàng loạt cảnh báo tới giới trẻ, sau khi Phạm Đức Hải bị bắt tại địa phương.

Thượng tá Tường cho biết: “Người sản xuất nội dung truyền thông số cần xây dựng giá trị thật, năng lực thực tiễn của bản thân, của doanh nghiệp trước khi xây dựng giá trị và tạo hình ảnh trên MXH.

Khi sản xuất nội dung truyền thông trên không gian mạng, nhất là nội dung giải trí cần tuân thủ pháp luật và đề cao giá trị đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Không nên ảo tưởng về sức mạnh của bản thân thông qua sự tán dương, tung hô của cộng đồng mạng. Đừng lấy thước đo giá trị bằng các lượt bình luận và lượt người xem, theo dõi để định vị bản thân."

Đối với người dùng, cần có thái độ đúng mực, thận trọng khi xem và nhận xét, bình luận các nội dung đó. Kiên quyết đấu tranh, phản đối cái sai, nhảm nhí và nên cổ vũ động viên, chia sẻ để lan tỏa cái hay cái đẹp, giảm nội dung xấu độc.

“Giới trẻ hãy cảnh giác trước khi bấm theo dõi, like, share vì chúng ta có thể góp phần tạo ra các hiện tượng mạng, trào lưu và các "Idol rởm". Càng nổi tiếng, khi đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các "Idol mạng" sẽ càng nhanh vướng vào vòng lao lý.

Ví như "Hải Idol", chỉ sau ít phút đăng tải hình ảnh đoàn xe đám cưới dừng lại giữa đường để chụp ảnh, quay phim đã gây sự bức xúc trong dư luận. Dù sau đó, Hải đã gỡ bỏ hình ảnh, clip khỏi các trang mạng xã hội của mình nhưng sự việc đã bị chia sẻ, lấy lại và đẩy đi rất xa trên không gian mạng", Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Hải Dương cho hay.

Thượng tá Vũ Dương Tường cũng mong muốn, thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường giải pháp quản lý đối với đơn vị cung cấp nền tảng số để kiểm duyệt, gỡ bỏ nội dung độc hại, kể cả xóa tài khoản. Không để “rác mạng” đầu độc thế hệ trẻ, nhất là thiếu niên chưa đủ nhận thức và bản lĩnh khi tham gia môi trường mạng.

Trước đó, báo Lao động đưa tin, Công an huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã khởi tố bị can và tạm giam đối với Phạm Đức Hải (tức “Hải Idol”, sinh năm 1996, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) cùng một bị can khác về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Hai bị can còn lại bị khởi tố về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Theo cơ quan điều tra, khoảng 14h ngày 21/4, tại đường trục Bắc - Nam, địa phận xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, có đoàn xe rước dâu không đeo biển số, dừng, đỗ xe trên lòng đường để quay phim, chụp ảnh cưới gây mất trật tự an toàn giao thông, gây xôn xao dư luận xã hội.

Theo Công an, trong vụ việc trên, cả 4 đối tượng bị khởi tố đều có liên quan ở các mức độ khác nhau đến việc thực hiện hành vi sử dụng xe ôtô đỗ xe giữa đường.

Tin nổi bật