Liên quan vụ tai nạn 7 người chết ở Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Mạnh Hùng (SN 1980) - nhân viên cân băng liệu của Nhà máy Xi măng Yên Bái - về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái phê chuẩn.
Hiện, Công an tỉnh Yên Bái đang tích cực điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của bị can Trần Mạnh Hùng cũng như những vi phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trần Mạnh Hùng bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định an toàn lao động
Trước đó, chiều 22/4, tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, có trụ sở tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3 của Nhà máy Xi măng Yên Bái, đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã xảy ra sự cố tai nạn lao động.
Hậu quả làm cho 7 công nhân lao động bị tử vong và 3 công nhân khác bị thương - hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, sức khỏe đã ổn định.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện việc bảo dưỡng, sửa chữa.
Ngay sau khi nhận được tin báo từ phía Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng của tỉnh đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, họp bàn và chỉ đạo các biện pháp để xử lý, giải quyết sự cố vụ tai nạn.
Theo tờ An ninh Thủ đô, về hành vi vi phạm quy định an toàn lao động, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 295 BLHS 2015 sửa đổi nêu rõ, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 - dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 6-12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Luật sư Vân cũng cho rằng, ngoài BLHS, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 cũng quy định, các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Công ty xảy ra vụ tai nạn khiến 7 người thiệt mạng ở Yên Bái. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch.
Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có quyền thực hiện hoạt động kiểm định theo hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm định;
Từ chối cung ứng dịch vụ kiểm định khi không bảo đảm điều kiện an toàn khi thực hiện hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư; Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hành vi cản trở hoạt động kiểm định; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có đối tượng đề nghị được kiểm định cung cấp các tài liệu, thông tin phục vụ hoạt động kiểm định.
Bên cạnh đó, tổ chức này cũng có nghĩa vụ thực hiện kiểm định theo quy trình kiểm định; Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, bồi thường thiệt hại do hoạt động kiểm định gây ra theo quy định của pháp luật.