Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Từ nghi án hối lộ 80 triệu yen: Cháy nhà... mới mua xe cứu hỏa?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Liên quan đến nghi án cán bộ ngành đường sắt nhận hối lộ 16 tỷ đồng, Bộ GTVT đã vào cuộc rốt ráo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta luôn chạy theo vụ việc mà thiếu sự chủ động ngăn chặn...

(ĐSPL) - Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những lình xình tại các dự án, các công trình giao thông, khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Sự rốt ráo vào cuộc của các cơ quan chức năng được xem là "phản ứng nhanh" và kịp thời. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta luôn chạy theo vụ việc - khi vụ việc bị phanh phui mới thanh tra dẫn đến hệ luỵ sai phạm vẫn tiếp nối sai phạm ở những công trình khác.
Bộ GTVT ra quyết định thanh tra đột xuất các dự án có sự góp mặt của JTC. Ảnh minh họa.
Thanh tra đột xuất các dự án "dính" tới JTC
Liên quan đến nghi án các cán bộ đường sắt nhận hối lộ 16 tỷ đồng từ lãnh đạo công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản, thanh tra bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ra quyết định thanh tra đột xuất công tác tổ chức, quản lý, xây dựng các dự án có sự góp mặt của nhà thầu là công ty Tư vấn giám sát GTVT Nhật Bản (JTC) tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Huyện- Chánh thanh tra bộ GTVT cho biết, Thanh tra bộ đã thành lập hai đoàn thanh tra dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và một số dự án của tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư có công ty Tư vấn giám sát giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) thực hiện. Bên cạnh đó, Thanh tra cũng tiến hành thanh tra công tác tổ chức, quản lý, thực hiện các tiểu dự án xây dựng đường sắt đoạn Hạ Long - Cái Lân, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long do cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư.
Để nhanh chóng xác minh nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đích thân sang Nhật Bản để làm việc với các cơ quan của Nhật Bản, bao gồm cục Thuế khu vực Tokyo; đội Điều tra đặc biệt của văn phòng Công tố Tokyo và Nhật báo nổi tiếng Nhật Bản Yomiuri Shimbun, nhằm xác minh thông tin về sự việc nghi án nhận hối lộ của quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Điều đáng nói là trong vụ việc này, tuy chưa có bằng chứng cụ thể và chưa được nước bạn thông báo chính thức mà chỉ tiếp nhận thông tin qua báo chí, nhưng bộ GTVT đã ngay lập tức bắt tay vào điều tra nghi án trên.
Sở dĩ có điều này là do cách đây vài năm, cũng từ báo chí Nhật Bản đưa tin, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây đã bị kết án 20 năm tù vì nhận hối lộ 262.000 USD từ quan chức Nhật Bản để công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương thắng thầu dự án xây dựng Đại lộ Võ Văn Kiệt năm 2008.
Được biết, theo yêu cầu của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, tới ngày 31/3, tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải đưa ra đầy đủ danh sách cá nhân liên quan đến dự án đường sắt đô thị số 1 và tường trình cụ thể của các cá nhân này. Động thái rốt ráo vào cuộc của bộ GTVT được đánh giá là "phản ứng nhanh", tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các dự án khi có dấu hiệu vi phạm, bị phanh phui rồi mới thanh tra. Đây là cách làm chạy theo vi phạm để xử lý "đằng đuôi"?
Bởi trên thực tế, thời gian qua, ở một số dự án khi phát hiện ra "sự cố", các cơ quan chức năng mới vào cuộc, thuê kiểm định độc lập hay thanh tra dự án, trong khi đó công tác giám sát, duy tu, bảo dưỡng các công trình lại bỏ ngỏ.
Điển hình, liên quan đến các dự án giao thông như dự án đường cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình, sau khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kết luận kiểm toán, Bộ trưởng bộ GTVT chỉ đạo "tất cả những gói thầu kém phải cho kiểm định lại, không đạt, yêu cầu nhà thầu phải sửa chữa. Những sai sót trong đơn giá phải kiểm điểm, xử lý và nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm".
Cách đây vài năm, cũng từ báo chí Nhật Bản đưa tin, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây đã bị kết án 20 năm tù vì nhận hối lộ.
Bộ trưởng bộ GTVT cũng giao thanh tra Bộ rà soát lại toàn bộ kết luận của KTNN, thuê kiểm định độc lập của bộ Xây dựng để kiểm định toàn bộ dự án. Tất cả những trường hợp không đạt, sẽ yêu cầu nhà thầu khắc phục, nếu không được thì yêu cầu phải bồi thường.
Chỉ giải quyết tình thế, thiếu tầm nhìn chiến lược
Thời gian qua, ngành giao thông đã để xảy ra quá nhiều vấn đề nóng, được dư luận quan tâm. Đặc biệt, gần đây, sau sự cố sập cầu Chu Va (huyện Tam Đường, Lai Châu), dự án cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) lình xình với những "vết thương" kéo dài không tìm ra giải pháp khắc phục... Nếu cứ như thế thì trong tương lai sẽ còn xảy ra biết bao nhiêu là sai phạm nữa, nhất là khi mà đất nước của chúng ta cũng còn nhiều khó khăn thì sự lãng phí tiền bạc ngày càng đáng bị lên án và như vậy số tiền thất thoát sẽ lọt vào túi của ai?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Lê Văn Cuông- nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XII nhận định: "Lâu nay, không chỉ riêng ở lĩnh vực giao thông, mà ở nhiều lĩnh vực khác, cách giải quyết của các cơ quan chức năng đều mang tính tình thế, không mang tính chiến lược, ngăn chặn. Thực tế, khi xảy ra sự việc gì, chúng ta chỉ loay hoay tìm cách che chắn, xử lý theo kiểu "từng cú, từng nhát", thể hiện sự yếu kém trong quản lý. Theo tôi, chúng ta cần có chiến lược chỉ đạo, điều hành cụ thể, sát việc, để ngăn chặn tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" bởi mọi giải pháp quan trọng nhất là hướng đến tính phòng ngừa, nhắc nhở, răn đe. Khi sự việc đổ vỡ, lộ ra, cơ quan chủ quản mới chạy theo sự việc, tìm cách xử lý, thanh minh thì rất nguy hiểm. Đó không phải cách quản lý khoa học hiện đại, có tầm nhìn".
"Ngay như nghi án hối lộ 16 tỷ đồng liên quan đến các cán bộ đường sắt,  bộ GTVT khẩn trương vào cuộc, có độång thái mạnh mẽ đã tạo được niềm tin cho người dân và bạn bè quốc tế khi tuyên chiến với tham nhũng, hối lộ. Tuy nhiên, qua sự việc cũng bộc lộ, đây là cách chỉ đạo chạy theo sự việc chứ không mang tính chiến lược. Chúng ta cần có sự nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện căn cứ pháp luật để khắc phục tình trạng chạy theo sự việc đổ vỡ, đưa ra giải pháp phòng ngừa. Điều quan trọng phải có chế tài để xử lý những người đứng đầu không thực hiện một cách căn cơ các giải pháp ngăn chặn. Vì lâu nay, phần lớn sự việc khi phát hiện ra thì sự cũng đã rồi- xảy ra hậu quả. Kết quả thanh tra nhằm trừng trị những người vi phạm nhưng những thiệt hại, thất thoát thì ai gánh chịu?", ông Cuông nêu quan điểm.
Theo một chuyên gia, tất cả những vụ việc, dự án ngay từ đầu phải có sự quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm sát, giám sát, thanh tra. Và trước khi nghiệm thu, quyết toán một công trình, các văn bản pháp luật phải quy định các bước tiến hành thanh kiểm tra, những người có chức danh... mới được ký tên và họ phải chịu trách nhiệm trước kết quả đã nghiệm thu đó như thế nào, nếu xảy ra vi phạm. Có như vậy, khi xảy ra sự cố mới quy rõ trách nhiệm và có sức răn đe.    
Lỗi của con người đừng đổ tại... thiên nhiên
Ông Hà Tuấn Trung- nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cơ chế lãnh đạo, quản lý giám sát là khâu quan trọng nhất. Nếu cơ chế quản lý, giám sát lỏng lẻo thì hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Phần lớn những dự án, công trình sai phạm đều do "lỗi con người". Điều đó lý giải khâu giám sát của chúng ta đang rất yếu và thiếu. Vì thế, cần có những chiến lược lâu dài trong việc quản lý, giám sát, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", sự việc xảy ra mới tìm cách xử lý nghiêm!".
Hương Lan

Tin nổi bật