Từ năm 2018, áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới ở cả 3 cấp học (Ảnh minh họa). |
Chiều ngày 28/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) với 397 đại biểu tán thành (đạt 79,88\%).
Theo đó, từ năm 2018-2019, ngành giáo dục sẽ bắt đầu áp dụng SGK mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở cả ba cấp học.
Quốc hội thống nhất sẽ có một số sách cho mỗi môn học. SGK sẽ cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Nhà nước sẽ xã hội hóa việc biên soạn SGK; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.
Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhằm tránh tình trạng Bộ Giáo dục "vừa đá bóng, vừa thổi còi", Nghị quyết đổi mới chương trình và SGK nêu rõ Bộ GD&ĐT sẽ ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa phải bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục được lựa chọn theo quy trình chặt chẽ, được Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục - đào tạo thông qua; Hội đồng làm việc độc lập, khách quan trong quá trình thẩm định.
Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học.
Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng giữa sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.