Ngày 20/10, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trình bày Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trình bày trước Quốc hội. |
Tại kỳ họp, ông Luận cho biết, sách giáo khoa mới sẽ được biên soạn theo phương án, nhiều tổ chức cá nhân cùng tham gia biên soạn trên cơ sở chương trình phổ thông thống nhất.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đây không phải là sự “lấn sân” của Bộ GD-ĐT mà giúp bộ chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo ông Phạm Vũ Luận, đổi mới sách giáo khoa sẽ huy động được năng lực của tổ chức cá nhân biên soạn, có sách giáo khoa phù hợp với các vùng miền địa phương, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.
Ông Luận lý giải thêm, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp; tạo điều kiện để học sinh phát triển hài hoà cả thể chất và tinh thần.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo lý giải, Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa nên có thể sẽ xuất hiện tâm lý “e ngại” của các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn sách giáo khoa khác.
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, ông Luận cũng cho biết, Bộ sẽ trình Quốc hội xem xét phương án đổi mới chương trình, sách giáo khoa với tổng kinh phí 778,8 tỷ đồng.
“Tổng kinh phí thực hiện đề án là 778,8 tỷ đồng trong đó, 462 tỷ đồng để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn sách giáo khoa.”, ông Luận nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đánh giá, đề án Bộ GG-ĐT đưa ra chi tiết. Đề án có các nội dung, hạng mục phù hợp với quy trình biên soạn chương trình.
“Cơ quan thẩm tra chỉ đề nghị cơ quan soạn thảo thảo bổ sung thêm phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho đề án”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói.
Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, thi và đánh giá kết quả học tập cũng sẽ được thay đổi theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm quá tải nhưng vẫn đảm bảo đánh giá đúng chất lượng, trình độ, phân hóa học sinh để cung cấp cho các cấp đào tạo nghề nghiệp cao hơn.
Dự kiến, đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được thực hiện 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ 1.2015 - 6.2017: tuyên truyền, xây dựng và thẩm định chương trình, sách giáo khoa mới, huớng dẫn thực hiện. Giai đoạn 2: Từ 7.2017 - 6.2018: bổ sung chính sách, tiếp tục biên soạn thẩm định các bộ sách giáo khoa. Giai đoạn 3: Từ 7.2018 - 12.2021: dự kiến năm học 2018-2019 sẽ áp dụng chương trình sách giáo khoa mới. Trong giai đoạn này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đánh giá, điều chỉnh việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. |