(ĐSPL) - Công an TP.HCM đã ra thông báo truy tìm Đỗ Tiến Khoa để làm rõ vụ lừa bán đất chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng.
Theo báo Công an TP. HCM, ngày 14/12 Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra thông báo truy tìm Đỗ Tiến Khoa (SN 1963, thường trú cư xá Phan Đăng Lưu, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để làm rõ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ông Khoa đang bị cơ quan công an truy tìm - Ảnh: báo Công an TP. HCM |
Báo Vietnamnet thông tin, vào tháng 5/2015 bà N.T.Th – là người chuyên kinh doanh bất động sản ở Q.6, có mua một lô đất số 107 đường Chợ Lớn, P.11, Q.6. Lô đất này bà nhờ ông Lại Phúc Cường (ngụ Q.6) đứng tên chủ sở hữu, nhưng toàn bộ giấy tờ thì bà Th. giữ.
Tháng 10/2015, có người hỏi mua nên bà Th cùng ông Cường mang giấy tờ lô đất đến làm thủ tục chuyển nhượng thì phát hiện giấy tờ đó là giả. Bà Th đã tố cáo vụ việc đến cơ quan công an.
Công an xác minh, tháng 7/2015 có người bán lô đất trên cho bà Nguyễn Hoàng Thanh Liên (ngụ Q.6) với giá 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên người bán không phải là ông Cường, mà là 1 người đàn ông lạ mặt.
Người đàn ông lạ này cùng bà Liên ký giấy tờ mua bán tại phòng công chứng số 1, TP.HCM vào 31/7 vừa qua. Chiều cùng ngày, tại ngân hàng TMCP Sài Gòn – chi nhánh 6, bà Liên tới rút tiền, giao cho người đàn ông lạ đóng vai ông Cường số tiền 3,2 tỷ đồng.
Hiện công an đang ra thông báo truy tìm người đàn ông bí ẩn, chưa rõ lai lịch này, dựa vào nhân dạng mà camera an ninh ngân hàng ghi nhận, phục vụ điều tra vụ án.
Mặc dù đang gặp một số nút thắt, nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định ông Đỗ Tiến Khoa cũng là người có liên quan. Trước đây ông Khoa từng được bà Th nhiều lần nhờ lo thủ tục về nhà đất, trong đó có lô đất số 107 đường Chợ Lớn, P.11, Q.6. Tuy nhiên, công an đã nhiều lần mời làm việc nhưng ông Khoa không đến và đến nay đã không còn ở nơi cư trú, đi đâu không rõ.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)