Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trường tiểu học mới trên đảo Sinh Tồn

(DS&PL) -

Trên xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), một ngôi trường tiểu học vừa mới được hoàn thành và hiện đã đón nhận bốn học sinh đầu tiên đến học tập.

Trên xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), một ngôi trường tiểu học vừa mới được hoàn thành và hiện đã đón nhận bốn học sinh đầu tiên đến học tập.

Giống như mọi ngôi trường khác trên đất nước Việt Nam, ngôi trường trên đảo sẽ là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng những “hạt giống trẻ thơ” cho tương lai vững bền của dân tộc.

Trong lớp học ghép “ba trong một”, bàn học của hai em học mẫu giáo hướng ra phía cửa sổ và được thầy giáo cầm tay dạy vẽ, viết và tô màu vào vở.

Buổi sáng tháng 5 nắng vàng rực rỡ, chúng tôi ghé thăm lớp học đặc biệt trên đảo Sinh Tồn. Cánh cửa lớp vẫn còn vương mùi thơm sơn mới, bên trong phòng, thầy giáo trẻ và bốn cậu học trò bé nhỏ vẫn đang say sưa học hành.

Lớp học rộng rãi, thoáng mát, có đầy đủ đồ dùng, thiết bị dạy và học. Ngồi ngoài cùng là lớp trưởng Nguyễn Trần Anh Luân, 9 tuổi, đang theo học chương trình lớp 3. Vị trí tiếp theo là chỗ ngồi của Võ Trung Tín, 7 tuổi, học chương trình lớp 1, cả hai cùng hướng mặt về phía bảng đen. Còn Võ Thanh Thạch và Nguyễn Công Minh Huy đều 5 tuổi, học mẫu giáo, thì ngồi quay lưng lại với hai người anh học lớp trên và hướng mặt ra phía cửa sổ.

Bốn em tuy học ở ba khối lớp khác nhau, nhưng lại học chung phòng, chung thầy và chung buổi, nên gọi là mô hình lớp ghép “ba trong một.” Trên bàn thầy giáo, ngoài thước kẻ, phấn viết bảng, còn có ba bộ sách của các khối lớp mẫu giáo, lớp 1 và lớp 3. Chiếc bảng đen được thầy chia làm hai phần: một nửa để dạy chương trình lớp 3, nửa còn lại dạy chương trình lớp 1. Riêng hai em học mẫu giáo, thầy giáo phải xuống tận bàn cầm tay dạy viết, tô màu vào quyển vở.

Hai thầy giáo trẻ đến xã đảo Sinh Tồn công tác từ năm 2013 đang cùng nhau duy trì lớp học. Hai thầy sẽ thay nhau dạy các em hai buổi mỗi ngày. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hạ (24 tuổi, quê ở Khánh Hòa), cho biết: “Giáo trình dạy các em được tuân thủ theo đúng chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Kiến thức các em dung nạp được ở đây hoàn toàn giống như các bạn đang học trong đất liền. Ngoài học từ sách vở các em còn được học hát, học vẽ, học thể dục để phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, trong giáo án giảng dạy, chúng tôi còn bổ sung thêm cho các em kiến thức về biển đảo, khơi dậy trong mỗi em tình yêu quê hương đất nước”.

“Cả bốn em, em nào cũng thông minh, lanh lợi, hoạt bát. Dường như sống giữa môi trường đầy sóng gió đã khiến cho tính cách của các em học trò nơi đây mạnh mẽ, cứng rắn hơn nhiều so với các em cùng trang lứa. Tuy còn nhỏ, mà em nào cũng biết tuân thủ nề nếp, chịu thương chịu khó và đặc biệt không bao giờ tranh giành, chọc ghẹo nhau, luôn yêu thương, thân thiết với nhau như anh em một nhà”. Thầy giáo Lê Anh Đức (26 tuổi, quê ở Thanh Hóa) không giấu ánh mắt tự hào khi nói về các học trò của mình.

Trường Tiểu học Sinh Tồn có diện tích 383m2 gồm sáu phòng học, thư viện, phòng giáo vụ, hai phòng công vụ dành cho giáo viên, sân chơi, khu vệ sinh, bể chứa nước ngọt và các trang thiết bị giáo dục cơ bản. Ngôi trường này được khởi công xây dựng vào mùa biển động cuối năm, nên gặp phải không ít khó khăn trở ngại.

“Trong điều kiện sóng gió cấp 8, cấp 9 mà đơn vị thi công xây dựng vẫn đưa lên đảo được hơn 3.000 tấn vật tư, gấp rút thi công liên tục 24/24h, và kịp hoàn thành công trình trước dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4. Đây quả là một điều kỳ diệu”, ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết.

Ngôi trường Tiểu học Sinh Tồn là công trình trường học thứ hai được đưa vào sử dụng tại huyện đảo Trường Sa theo chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” giai đoạn 2. Ngôi trường được xây bằng nguồn quỹ học bổng Vừ A Dính, do báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh và Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Tính đến tháng 4-2014, gần 300 tập thể, cá nhân đã đóng góp cho chương trình hơn 23,4 tỷ đồng.

“Không thể nói hết được lòng biết ơn sâu sắc của phụ huynh chúng tôi trước món quà vô giá mà đồng bào cả nước đã dành tặng cho các cháu. Ngày trước, khi chưa có trường học, các cháu phải học tạm ở trụ sở UBND xã. Nay trường mới được xây dựng, các cháu được đi học như trong đất liền, chúng tôi thấy yên tâm hơn về tương lai con cái, vững lòng tiếp tục bám biển, bám đảo”, chị Đỗ Thị Tuyết Lan, phụ huynh em Võ Thanh Thạch tâm sự.

Tin nổi bật