(ĐSPL) - Mạng tin Asiasentinel cho rằng hành động gây hấn với Việt Nam ở Biển Đông chẳng đem lại lợi ích gì cho Trung Quốc, thậm chí còn rất có hại.
"Tiền mất, tật mang"
Theo Công ty Năng lượng Platts của Singapore, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang phải tốn tới 328.000 USD/ngày cho việc duy trì giàn khoan Haiyang Shiyou 981 tại địa điểm hạ đặt trong vùng biển của Việt Nam. Đó là chưa kể chi phí “khủng” của hơn 100 tàu công vụ, tàu chiến và máy bay “bảo vệ” giàn khoan. Cuối cùng, giàn khoan 981 sẽ phải rút đi và có thể sẽ chẳng mang lại lợi lộc gì về kinh tế.
|
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp Việt Nam. |
Vậy vì lý do gì mà Bắc Kinh lại "khiêu khích" nước láng giềng Việt Nam, gây xáo động truyền thông quốc tế, làm sống lại cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc” ở Đông Nam Á?
Có lẽ Bắc Kinh nghĩ rằng vụ hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 là một cách củng cố chủ quyền của Trung Quốc. Thế nhưng, phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam và nhiều nước khác cho thấy đây không phải là điều đơn giản. Nếu chạy theo các phán quyết pháp lý, đương nhiên là Bắc Kinh cũng sẽ thua cuộc.
Xây dựng sân bay khống chế Trường Sa
Lời giải thích khả dĩ nhất cho việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chính là những tiết lộ gần đây liên quan đến việc khởi động dự án xây dựng quy mô lớn ở bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là bãi chìm, ngập nước khi triều lên. Quân đội Trung Quốc đã đánh chiếm bãi đá này của Việt Nam trong trận Hải chiến Trường Sa năm 1988. Philippines tố cáo Bắc Kinh mưu toan biến bãi đá ngầm Gạc Ma thành một căn cứ không quân để khống chế toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa. Thông qua việc nghi binh, thu hút sự chú ý của thế giới - cùng Cảnh sát biển Việt Nam - vào điểm nóng ở gần quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đánh chiếm năm 1974, Bắc Kinh có thể ung dung xây dựng đường băng sân bay ở Gạc Ma mà không sợ bị phát hiện.
|
Tàu Trung Quốc hút cát bồi đắp bãi đá ngầm Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa thành đảo nổi rộng tới 30 hescta. |
Cũng có lẽ, Bắc Kinh đã hy vọng vào một thành công tương tự như những gì từng diễn ra ở Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN hồi tháng 7/2012 ở Phnom Penh. Đó cũng là thời điểm mà Trung Quốc xâm lấn thành công bãi cạn Scarborough - thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Trung Quốc đang lặp lại kịch bản cũ và lần này nhằm vào Việt Nam, với việc hạ đặt giàn khoan diễn ra chỉ vài ngày trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. Nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc chắc mẩm Việt Nam sẽ bị đơn độc, còn ASEAN thì bị chia rẽ. Thế nhưng, toan tính của Trung Quốc đã thất bại, ASEAN đã nổi lên từ cuộc khủng hoảng và ngày càng cảnh giác trước những âm mưu của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam sẽ buộc ASEAN phải có quan điểm cứng rắn hơn, không để những sự vụ tương tự tái diễn. Đây là điều mà Bắc Kinh không muốn và việc triển khai giàn khoan 981 này dường như đã làm hỏng lợi ích dài hạn của Trung Quốc.