Theo nhà báo Philip Bowring, những hành động nguy hiểm và ngạo mạn của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cho hình ảnh của nước này bị tổn hại nghiêm trọng.
Trong bài đăng trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post - SCMP), nhà báo kỳ cựu Philip Bowring viết:
Những hành động gần đây của Trung Quốc đối với những nước láng giềng là rất hiếu chiến, ngạo mạn và mang đậm chủ nghĩa sô vanh kiểu Hán và chủ nghĩa dân tộc. Những hành động này vượt quá việc thể hiện niềm tự tôn dân tộc và khiến chủ nghĩa ái quốc của Trung Quốc mang một ý nghĩa xấu.
Không chỉ dọa nạt Việt Nam và Philippines về tham vọng bành trướng của mình, Trung Quốc còn biến Indonesia từ vị thế là nước trung gian trong các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trở thành đối thủ của nước này.
Trong vòng chưa đầy vài tháng qua, Indonesia đã buộc tội Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách trái phép đối với vùng biển gần đảo Natuna.
Điều này rõ ràng vượt quá cả “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc khi liên tục khiêu khích các nước láng giềng với tổng dân số chỉ hơn 400 triệu mà Trung Quốc cho là yếu hơn họ rất nhiều.
Toàn bộ vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gói gọn trong “đường 9 đoạn” của nước này kéo dài khoảng 1.000 dặm từ bờ biển Quảng Đông và Hải Nam đến gần sát đảo Borneo nơi Malaysia, Indonesia và Brunei cùng chia sẻ chủ quyền và bao gồm cả khu vực biển của Việt Nam và Philippines.
Dù Trung Quốc chỉ có 20\% đường bờ biển trong khu vực Biển Đông, những gì mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chiếm tới 90\% diện tích vùng biển này.
Trung Quốc nói rằng những tuyên bố chủ quyền của họ dựa trên những cứ liệu lịch sử và hoàn toàn bỏ qua sự tồn tại của những người dân nước khác trong khu vực cũng như lịch sử hàng hải và giao thương của họ từ 2.000 năm qua - rất lâu trước khi Trung Quốc có những hoạt động trên vùng biển này.
Người gốc Indonesia đã đến châu Phi và chiếm Madagascar từ 500 năm trước khi Trịnh Hòa đến đây. Hơn thế nữa, người dân Đông Nam Á thu nhận nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ và Hồi giáo hơn là của Trung Quốc.
Một số nước khác trong khu vực như Indonesia, Singapore và Malaysia đã đưa những tranh chấp chủ quyền của họ lên Tòa án Công lý Quốc tế và chấp nhận phán quyết của Tòa.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không chịu nhượng bộ hoặc không muốn đưa vụ việc lên Tòa án Công lý Quốc tế, trong khi việc cùng phát triển là điều không thể xảy ra vì Trung Quốc sẽ ra yêu sách của mình cho các tuyên bố chủ quyền.
Trong vụ các bãi cạn ngoài khơi Philippines, lý lẽ của Trung Quốc dựa chủ yếu vào những yếu tố lịch sử mà họ tự nghĩ ra và thực tế rằng họ là nước đầu tiên tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, đây là một lý lẽ rất thiếu sức thuyết phục do nước này không thường xuyên hiện diện tại đây và hơn thế nữa, Philippines giành được chủ quyền các bãi cạn này sau những hiệp ước giữa các nước thực dân phương Tây.
Ngoài ra, những bãi cạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền này rõ ràng nằm sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines và là khu vực mà ngư dân nước này từ lâu đã hoạt động. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo Luzon của Philippines 200km và cách Trung Quốc tới 600km.
Hơn thế nữa, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với bãi cạn Trăng Khuyết (Half Moon Shoal) còn vô lý hơn nữa. Đây là khu vực mà Philippines đã bắt giữ những ngư dân Trung Quốc săn bắt trái phép những con rùa biển nằm trong danh sách cần được bảo vệ. Hành động này của Philippines khiến Trung Quốc rất giận dữ dù bãi cạn này nằm cách Trung Quốc tới 1.500km.