VietNamNet đưa tin, trường Quốc tế Mỹ Việt Nam cho hay, một lượng lớn giáo viên nước ngoài đã thông báo nghỉ việc có hiệu lực từ đầu tháng 5/2024 hoặc trước đó. Trong hai tuần cuối tháng 4/2024, nhà trường vẫn phải liên tục lên kế hoạch sắp xếp lịch dạy thế cho các giáo viên vắng mặt vào mỗi ngày.
Ngoài ra, phần lớn giáo viên đã bày tỏ rằng họ không đồng ý tiếp tục làm việc mà không được trả lương đầy đủ. Giáo viên chọn lựa sẽ làm việc cho đến hết ngày 26/4 vì lợi ích của học sinh và đảm bảo rằng các em có thể kết thúc năm học. Sau ngày ngày nhà trường không đủ giáo viên để hoạt động.
Bên ngoài trường Quốc tế Mỹ Việt Nam tại huyện Nhà Bè. Ảnh: Vnexpress
Mặt khác, theo nhà trường này nguồn tài chính hiện tại của trường không đủ để trang trải các chi phí hoạt động thiết yếu như hóa đơn tiền điện, tiền điện thoại, duy trì các thiết bị thuê ngoài phục vụ học tập và các dịch vụ xe đưa đón. Sự thiếu hụt này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nhà trường khó có thể đảm bảo sự an toàn về mặt thể chất và tinh thần cho học sinh.
Do đó, việc kết thúc năm học vào ngày 26/4 là lựa chọn tốt nhất trong tình hình hiện tại, đảm bảo sự ổn định và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho học sinh, giáo viên.
Theo Vnexpress, liên quan đến kết quả học tập, tổng hiệu trưởng Chandra McGowan cho biết ở cấp tiểu học, điểm số của học sinh được dựa trên đánh giá liên tục về thành tích, sự phát triển của các em ở tất cả môn học, thông qua nhiều hoạt động.
Ở cấp trung học, giáo viên đang xét điểm học kỳ II dựa trên các bài đánh giá, cũng như cả quá trình, từ tháng 1 đến nay. Tới nay, AISVN đã đáp ứng số giờ học theo yêu cầu của Tổ chức Tú tài Quốc tế (IBO).
"Nhà trường có đủ bằng chứng học tập và đủ số giờ cho năm học này nên IBO hiểu và ủng hộ kế hoạch hoàn thành năm học sớm nhằm ứng phó với tình huống bất khả kháng của AISVN", trích thông báo.
Từ nay đến khi kết thúc năm học, giáo viên và ban giám hiệu sẽ đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường, ưu tiên nội dung đánh giá để học sinh đủ điều kiện lên lớp. Trường cũng lên kế hoạch ôn tập cho kỳ thi lấy bằng Tú tài quốc tế với học sinh lớp 12 và chuẩn bị kế hoạch học chương trình IB cho học sinh lớp 11 năm tới.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT vào ngày 13/4, 26 giáo viên nước ngoài và 5 giáo viên Việt Nam không đến lớp. Toàn trường vắng 145 học sinh. 10 giáo viên nước ngoài đã gửi đơn chính thức xin thôi việc.
AISVN được thành lập năm 2006, khuôn viên ở huyện Nhà Bè. Trường hiện có hơn 1.310 học sinh, phần lớn theo học chương trình Tú tài quốc tế (IB). Học phí của AISVN là 280-725 triệu một năm, tùy bậc học.
Tháng 7 năm ngoái, trường gây chú ý khi bị phụ huynh tụ tập đòi nợ. Hôm 18/3, toàn bộ học sinh phải nghỉ học do phần lớn giáo viên không đi dạy vì bị nợ lương.
Hôm 31/3, bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường, kêu gọi phụ huynh hỗ trợ thêm 9,5-25,5 triệu đồng một học sinh mỗi tháng, ngoài các gói học phí đã đóng. Sau đó, trường mở cửa lại từ 3/4.
Hiện, gần 750 trong tổng số hơn 1.000 phụ huynh đóng góp các khoản hỗ trợ cho AISVN. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chia nhỏ số tiền đóng góp và mới chuyển đợt 1. Do đó, đến 13/4, tài khoản trường có hơn 30 tỷ đồng, trong khi cần tới 125 tỷ để duy trì dạy trực tiếp tới hết năm.
Sau khi chi trả các khoản thiết yếu (xe buýt, điện, nước...), trả nợ lương tháng 1, 2 và tạm ứng lương, tiền nhà tháng 3 cho giáo viên nước ngoài, tài khoản phụ huynh góp chỉ còn hơn 4 tỷ đồng.
Cách đây một tuần, Sở GD&ĐT gửi thư ngỏ tới phụ huynh, cho biết với số dư hiện tại, AISVN "không thể tiếp tục duy trì giảng dạy trực tiếp cho học sinh cả trường đến khi kết thúc năm học".
T.D (T/h)