Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trường Kinh doanh & Công nghệ HN: “Cò” tự tung tự tác chuyện … bằng?

(DS&PL) -

Nếu muốn có bằng, sinh viên phải chi một khoản tiền là 3 triệu đồng cho “cò” thì chỉ sau 1 tuần là mọi chuyện sẽ ổn thỏa.

(ĐSPL) - Như thông tin báo ĐS&PL đăng tải tại số báo ra ngày 23/05/2016, phản ánh về việc nhiều sinh viên liên thông trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ra trường đã 3 năm nhưng không nhận được bằng tốt nghiệp.

Nếu muốn có bằng, sinh viên phải chi một khoản tiền là 3 triệu đồng cho “cò” thì chỉ sau 1 tuần là mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Từ hiện tượng bất thường trên, một câu hỏi được đặt ra là điều gì khiến cho những kẻ môi giới này lại có thể tự tung tự tác đến như vậy?

Lỗi hoàn toàn thuộc về sinh viên?

Trong bài phản ánh trước, PV đã đề cập tới trường hợp của anh Nguyễn Đ. L. phải chi ra số tiền 3 triệu đồng để lấy được bằng và bảng điểm. Nhưng theo anh L. thì ngoài khả năng “chạy” bằng, “cò” còn có khả năng “chạy” điểm cho những sinh viên còn nợ điểm, nợ môn. Số tiền để “chạy” không thống nhất do còn tùy đặc thù từng môn. Giá sẽ được giao dịch trực tiếp với người có nhu cầu.

“Khi tôi gọi điện giao dịch với N. (tên người đứng ra “chạy” bằng cho anh L. – PV) đồng thời ngỏ ý muốn chạy bằng thêm cho vài người bạn nữa cùng chung cảnh ngộ, chị ta vồn vã lắm. Nhưng tôi hơi băn khoăn vì một số người bạn của tôi vẫn nợ môn, sợ không lấy được. Thế nhưng N. cho biết, chỉ cần có tiền thì chị ta sẽ lo liệu được hết. Thời gian cũng chỉ dao động từ 7 – 10 ngày là cùng” – anh L. cho biết.

Anh L. phải mất 3 triệu đồng mới lấy được bằng (ảnh do nhân vật cung cấp)

Cũng theo chia sẻ của anh L., những người làm nghề môi giới “chạy” bằng, “chạy” điểm đều có mối quan hệ thân thiết với những cán bộ đảm trách việc cấp bằng cũng như giảng viên trong trường. “Mặc dù thông tin này chưa có ai xác nhận nhưng với sinh viên chúng tôi, sau ba năm không lấy nổi bằng dù năm lần bảy lượt đi đòi. Chi tiền ra thì chỉ trong vòng 1 tuần là có tất cả những thứ mình cần khiến chúng tôi nghi ngờ sự cấu kết là có sơ sở. Nếu người môi giới mà không có mối quan hệ mật thiết, làm sao họ có thể làm việc nhanh và hiệu quả đến như vậy?” – anh L. thắc mắc.

Rõ ràng, với những sự việc bất thường nêu trên, dư luận có quyền đặt nghi vấn, liệu lãnh đạo trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có liên quan gì tới việc chậm trả bằng cho sinh viên? Để làm rõ những thắc mắc và nghi ngờ trên, PV báo ĐS&PL đã tới đặt lịch làm việc với lãnh đạo nhà trường. Sau khi không có phản hồi, phóng viên đã trực tiếp điện thoại cho ông Trần Kim Sơn, Chánh văn phòng trường này. Ông Sơn cho biết: “Hiện nhà trường đã phân quyền rất rõ ràng. Toàn bộ mảng đào tạo liên thông do PGS. TS Hà Đức Trụ, phó hiệu trưởng quản lý”. Đồng thời ông Sơn cũng cung cấp cho phóng viên số ông Trụ để liên lạc.

Liên lạc với PGS. TS Hà Đức Trụ, PV có được thông tin: “Thông tin mà các sinh viên phản ánh là sai sự thật. Những người chưa lấy được bằng vì vẫn nợ môn. Còn việc phải qua môi giới thì lỗi hoàn toàn thuộc về sinh viên”. Ông Trụ cũng từ chối gặp phóng viên để trao đổi cụ thể vì lý do quá bận.

Dễ đầu vào, khó đầu ra?

Trước những bất thường ở “đầu ra” trong quy trình đạo tạo liên thông của trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, PV rất tò mò về quá trình tuyển “đầu vào” của trường này ra sao? Hiện tại, theo thông báo tuyển sinh của trường, việc tuyển sinh liên thông cao đẳng, đại học hệ chính quy bắt đầu từ 15/03/2016. Trong vai một người đang có nhu cầu học liên thông đại học hệ chính quy, ngành Kế toán, PV đã điện thoại cho H. – cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường. H. cho biết: “Hiện tại các bạn khóa năm nay đã thi và bắt đầu học rồi. Em chuẩn bị bằng, bảng điểm, giấy khai sinh (tất cả phải phô tô công chứng) cùng với 4 ảnh 4x6. Khi chuẩn bị xong giấy tờ thì em mang đến văn phòng để cô hướng dẫn. Để tránh cho các em phải đi lại nhiều thì tất cả những giấy tờ cần xác nhận của chính quyền, trường sẽ xác nhận giúp. Tiền ôn luyện, tiền lệ phí là 1, 7 triệu đồng. Bình thường em sẽ phải thi 3 môn (gồm môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành) nhưng do đợt thi đã kết thúc nên tôi sẽ bố trí cho em vào học luôn. Khi đó em sẽ làm một bài kiểm tra để thay bài thi vừa rồi”.

Rõ ràng là nhà trường đã “tạo điều kiện” hết mức để bất cứ ai có nhu cầu học liên thông cao đẳng, đại học hệ chính quy đều có thể vào học. Không cần thi vẫn có thể được nhận. Quá hạn nộp hồ sơ vẫn được chấp nhận. Sau khi vào rồi thì chỉ cần làm một bài kiểm tra cho “có lệ” thay bài thi là xong.

Thông tư 08/2015/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đào tạo liên thông cao đẳng, đại học có quy định rằng, ngưỡng đảm bảo đầu vào của thi liên thông là mỗi môn (trong 3 môn thi) trên đạt 5 điểm trở lên, tính theo thang điểm 10. Vậy trong trường hợp của trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, thí sinh không cần thi vẫn trúng tuyển thì có đúng theo quy định tại Thông tư 08? Hơn nữa, tạo điều kiện hết mức để thí sinh có thể vào học nhưng trả bằng lại vô cùng chậm trễ, liệu trường Kinh doanh & Công nghệ Hà nội có đang vi phạm những quy định đào tạo của bộ Giáo dục và Đào tạo? PV báo ĐS&PL sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.

Nhóm PV

Xem thêm video tin tức: 

[mecloud]YJrqMMAm0J[/mecloud]

 

Tin nổi bật