Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trường hợp nào được giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ?

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Theo dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp chỉ được cơ cấu nếu có khả năng trả nợ.

Theo VTV, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Dự thảo Thông tư cơ cấu nợ: Chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ. Ảnh: Vietnamnet
 

Dự thảo Thông tư nêu rõ: tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đáp ứng đầy đủ 7 điều kiện kèm theo.

Thứ nhất, khoản nợ phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Thứ ba, được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Thứ tư, khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.

Thứ năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

Thứ sáu, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng, không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Cuối cùng, việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo Thông tư này được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.

Theo Người lao động, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư này để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể 3 nội dung.

Thứ nhất, tiêu chí xác định khoản nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư này;

Thứ hai, trình tự, thủ tục, phân công, phân cấp, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm bảo đảm nguyên tắc cá nhân, bộ phận quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ không là cá nhân, bộ phận phê duyệt cấp tín dụng, trừ trường hợp việc cấp tín dụng do HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc/Giám đốc, ngân hàng mẹ (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua.

Trường hợp việc xét duyệt cấp tín dụng và xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện thông qua cơ chế hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp tín dụng và ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là thành viên của Hội đồng xét duyệt tín dụng;

Thứ ba, tần suất rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định pháp luật; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Các quy định trên đây phải đảm bảo rõ ràng, thống nhất, không đặt thêm nhiều điều kiện, thủ tục phức tạp gây khó khăn khi triển khai chính sách hỗ trợ này.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật