Gia tăng tỷ lệ vô sinh trên toàn quốc hay dân số già hóa đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà Trung Quốc phải đối mặt sau nhiều năm duy trì chính sách một con.
Gia tăng số người bị vô sinh
Xi Xiaoxin, 35 tuổi không bao giờ nghĩ rằng cô sẽ gặp khó khăn khi thụ thai cách đây 3 năm. Hồi đó, tất cả những gì cô muốn là được đi du lịch khắp thế giới cùng chồng, người mà cô đã kết hôn vào năm 2012. Nhưng khi cô bắt đầu với ý tưởng xây dựng một gia đình thực sự vào 3 năm sau đó, con đường để thụ thai trở nên tăm tối. "Cho đến những năm gần đây tôi mới nhận ra rằng việc có một đứa trẻ là rất khó khăn", cố cho biết.
Xi Xiaoxin đã điều trị vô sinh 3 năm qua. Ảnh: Getty |
Xi là một trong hàng trăm ngàn phụ nữ đô thị ở Trung Quốc phải vật lộn với “vấn nạn” vô sinh.
Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, trì hoãn làm mẹ đã trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là vì chi phí sinh hoạt cao, giờ làm việc dài, chính sách thai sản không thân thiện và chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ. Một số chuyên gia cũng cho rằng các yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí gia tăng cũng có thể là một lý do, đặc biệt đối với vô sinh ở nam giới.
Nhưng vô sinh không chỉ là một cuộc đấu tranh cá nhân mà là vấn đề của cả quốc gia.
Tổng tỷ suất sinh ở Trung Quốc ước tính đạt khoảng 1,6 trẻ em/1 phụ nữ trong năm 2017, tương tự như của Canada nhưng thấp hơn so với Mỹ và Vương quốc Anh. Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ 2,1 vốn được cho là cần thiết để giữ dân số ổn định, theo CIA World Factbook.
Chính quyền Trung Quốc muốn tăng tỷ lệ sinh vì dân số đang già đi qua mỗi năm. Để đảo ngược, Bắc Kinh đang thực hiện những thay đổi mạnh mẽ đối với chính sách dân số của họ, từ lâu đã tập trung vào việc giữ tỷ lệ sinh thấp. Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã loại bỏ chính sách một con kéo dài suốt 1 thập niên và năm nay và đã giải tán Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình.
Mặc dù quyết định này cho phép các cặp vợ chồng có 2 con, nhưng rõ ràng lại dẫn đến việc gia tăng nhu cầu điều trị khả năng sinh sản ở phụ nữ lớn tuổi.
Xi và chồng cô không nghĩ cho bố mẹ khi họ còn trẻ. "Cho đến những năm gần đây ... bất cứ khi nào tôi nhìn thấy cha mẹ già của mình, họ lo lắng rằng sẽ phải rất cô đơn trong tương lai vì không có cháu", Xi chia sẻ.
Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm dần. Ảnh: CNN |
Dữ liệu chính thức về vô sinh ở Trung Quốc rất khó được thống kê chính xác. Một báo cáo 6 năm trước (2012) bởi Hiệp hội Dân số Trung Quốc cho rằng vô sinh ảnh hưởng tới 40 triệu phụ nữ và nam giới. Tỷ lệ vô sinh thấp hơn nhiều ở khu vực nông thôn, nơi mọi người kết hôn khi còn khá trẻ.
Cuộc đấu tranh diễn ra trong im lặng
Phoebe Pan điều hành một nhóm trợ giúp cho phụ nữ đấu tranh với vô sinh trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat.
Pan, người viết blog về kinh nghiệm của mình với hội chứng buồng trứng đa nang - một vấn đề hormone có thể dẫn đến vô sinh ở nữ giới cho biết: "Tôi gặp rất nhiều phụ nữ Trung Quốc bị choáng ngợp bởi cái gọi là vô sinh và các vấn đề vô sinh".
Cô cho rằng tuổi tác là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề vô sinh ở phụ nữ Trung Quốc. Thêm vào đó, sự kỳ thị trong xã hội Trung Quốc cũng gây ra trở ngại. Nhiều phụ nữ đã kể với Pan rằng họ cảm thấy xấu hổ khi nói về việc bị vô sinh với gia đình và bạn bè, từ đó lần lượt gây ra sự thiếu nhận thức.
Xi đã trải qua 3 năm điều trị vô sinh khác nhau, bao gồm dùng một loại thuốc thảo dược đắng trong 3 tháng, 3 vòng điều trị cảm ứng rụng trứng và một phẫu thuật nội soi để phục hồi các mô di dời trong tử cung của cô. Năm nay, cô quyết định thử nghiệm điều trị IVF tại một phòng khám vô sinh. Giá của gói điều trị lên tới 4.700 USD - tương đương với khoảng 4 tháng lương ở các thành phố giàu có như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.
Chương trình truyền hình thực tế
Rất nhiều người Trung Quốc đang phải đối mặt với vô sinh. Ảnh: CNN |
Vô sinh là chủ đề của một chương trình truyền hình thực tế mới có tên là "The UFO Fertility Show", được giả định là trong tương lai, khi người ngoài hành tinh quay trở lại Trái đất qua vật thể bay (UFO) để khám phá lý do tại sao loài người đang chết dần.
Chương trình đã bắt đầu phát trực tuyến tại Trung Quốc trong năm 2018, do bác sĩ Wei Siang Yu chủ trì. Trong tập đầu tiên, nhóm của bác sĩ Yu đã đến thăm một cặp vợ chồng ở Thượng Hải và cho họ lời khuyên về cách thụ thai. Những lời khuyên bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, bài tập Thái Cực Quyền, sắp xếp lại đồ nội thất phòng ngủ và ngăn ngừa tiếng ồn.
Hai tập đầu tiên của chương trình đã thu hút 46 triệu lượt xem trực tuyến. "Các phòng khám sản do chính phủ điều hành không đủ so với nhu cầu thực tế", ông Yu cho hay.
Sự gia tăng nhu cầu cho IVF ngày nay làm nổi lên giấc mơ mà nhiều bậc cha mẹ từng có nhưng đã bị cấm thực hiện trong hơn 30 năm qua.
Tính đến năm 2016, chỉ có 451 phòng khám trên toàn Trung Quốc cung cấp IVF được cấp phép bởi chính phủ, có nghĩa là chỉ có 3,3 trung tâm sinh sản được cấp phép cho mỗi 10 triệu người ở Trung Quốc, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan. Báo cáo ước tính rằng có 800.000 đàn ông và phụ nữ không thể tiếp cận với việc xử lý sinh sản có chất lượng.
Với tỷ lệ thụ thai 30% đến 40%, Trung Quốc tụt lại phía sau các nước như Mỹ, Thái Lan và Malaysia với tỷ lệ thụ thai lên đến 60% hoặc 65%. Điều này đã khiến nhiều người Trung Quốc ra nước ngoài để theo đuổi việc điều trị khả năng sinh sản, với Mỹ và Thái Lan là những lựa chọn hàng đầu.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)