Ngày 4/12, tổng cộng 45 học sinh từ khắp tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc, đã tham gia một kỳ thi bất hợp pháp để tranh suất học tại trường điểm hàng đầu ở Thành Đô. Tuy nhiên, đến giữa buổi thi, cảnh sát đã ập vào khách sạn nơi tổ chức cuộc thi và yêu cầu các em học sinh trở về nhà.
Văn phòng giáo dục thành phố Thành Đô cho biết mỗi học sinh tham gia kỳ thi đầu vào bất hợp pháp này sẽ phải nộp 400 nhân dân tệ (62 USD) phí tham thi cử. Nếu được nhận vào trường, các em sẽ phải đóng thêm 9.000 nhân dân tệ nữa (1.412 USD).
Giới chức Trung Quốc vừa phá một kỳ thi "chui" tranh suất vào trường điểm ở Thành Đô. Ảnh: Sina
Theo thông tin từ văn phòng giáo dục, cảnh sát vẫn đang điều tra về người đã tổ chức kỳ thi này. Tuy nhiên, cuộc đột kích của cảnh sát diễn ra sau khi có thông tin chỉ điểm rằng một "cơ sở dạy thêm" đang tổ chức kỳ thi tại khách sạn Thành Đô.
Người phụ nữ có mặt tại khách sạn trông thi cho biết cô không biết về người đứng sau tổ chức kỳ thi, khẳng định cô chỉ làm việc theo hợp đồng làm thêm.
Văn phòng giáo dục thành phố kêu gọi các bậc phụ huynh có thái độ "không khoan nhượng" đối với việc tuyển sinh bất hợp pháp trong thời điểm chính quyền Trung Quốc giải quyết gánh nặng học tập quá mức trên vai học sinh trong hệ thống cạnh tranh và cân bằng các nguồn lực giáo dục.
Theo quy định của bộ Giáo dục Trung Quốc, từ năm ngoái, các trường công lập và tư thục dạy từ lớp 1 đến lớp 9 bắt đầu tuyển sinh đồng thời. Trong đó, các trường tư thục sẽ chọn học sinh thông qua một hệ thống quay số ngẫu nhiên khi họ nhận được nhiều đơn đăng ký nhập học hơn kế hoạch.
Ông Xiong Bingqi, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết: "Điều này có nghĩa là bất kỳ trường học nào, tư nhân hay công lập, đều không được tổ chức bất kỳ hoạt động tuyển sinh nào dưới mọi hình thức. Bất kỳ bài kiểm tra hay cuộc phỏng vấn nào để tuyển sinh đều bị coi là bất hợp pháp".
Quy định này sẽ được thực hiện cùng các biện pháp cứng rắn hơn vào tháng 8 khi chính phủ cấm tất cả các hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận đối với trẻ nhỏ và bắt đầu giám sát chặt chẽ số lượng bài tập về nhà của học sinh. Ông Xiong cho rằng "người thổi còi" ở Thành Đô là một phụ huynh và coi đây là ví dụ về một cuộc xung đột mới đang phát triển giữa những phụ huynh ủng hộ cải cách và những người phản đối.
Minh Hạnh (Theo SCMP)