Hãng thông tấn Bloomberg ngày 30/10 (giờ Mỹ) đăng tải bài viết với tiêu đề "Sau khi việc dạy thêm được chấn chỉnh, các "mẹ hổ" Trung Quốc chuyển hướng cho con học thể thao.
Theo bài viết, Trung Quốc đã mạnh mẽ thực hiện các hành động nhằm giảm gánh nặng bài tập về nhà, cấm dạy thêm và học thêm đã cho học sinh, điều này đồng thời thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng của các cơ sở đào tạo thể thao và nghệ thuật.
Trẻ em Trung Quốc được cha mẹ chuyển hướng sang học thể thao, năng khiếu sau khi các lớp dạy thêm kiến thức văn hóa bị đóng cửa. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, chỉ hơn một tháng sau khi chính sách “giảm kép” được đưa ra, hơn 33.000 công ty đào tạo hai loại hình thể thao và nghệ thuật đã được thành lập.
Tuy nhiên, chính sách mới của chính phủ Trung Quốc dường như không làm thay đổi tư tưởng của các "mẹ hổ" (cách nói về phong cách nuôi dạy con ở Trung Quốc với nhiều hình thức nghiêm khắc và kỳ vọng để hướng tới thành công trong học tập).
Để con em mình giữ được ưu thế cạnh tranh với trẻ đồng trang lứa, các "mẹ hổ" ở Trung Quốc đã đổ xô đi tìm những lớp học khác thay thế cho con em mình.
He Jianwei, chủ một cơ sở đào tạo quyền anh ở Bắc Kinh, cho biết: "Gần đây, tôi nhận được nhiều cuộc gọi hàng ngày từ các bậc phụ huynh hỏi về các khóa học cho con cái họ”.
Tại phòng tập của He vào một chiều Chủ nhật cuối tháng 10, những đứa trẻ 10 tuổi tay đeo găng, miệt mài tập luyện.
Jenny Liu đang đợi cậu con trai 7 tuổi Guoguo tan học, cô chia sẻ: "Ngay sau khi lớp dạy thêm toán cho con trai tôi đóng cửa, tôi đã cho con mình tham gia lớp huấn luyện quyền anh, Chính sách ‘giảm kép’ đã cho con tôi thời gian để tập thể dục".
Theo Bloomberg, các bà "mẹ hổ" không cho con cái đi học thể thao hay nghệ thuật chỉ để giết thời gian hay giải trí, mà bởi tỷ trọng của các môn này trong bài kiểm tra ở trường đang tăng lên.
Bộ Giáo dục Trung quốc cam kết tăng giá trị điểm số của các môn thể thao trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông hằng năm. Một số khu vực như tỉnh Hải Nam đã đưa bơi lội, bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền vào danh sách các môn lựa chọn cho kỳ thi tuyển sinh trung học.
Việc chính phủ Trung Quốc "đánh" vào tình trạng đặt nặng thành tích học tập cũng phản ánh sự mất cân bằng trong thị trường việc làm ở nước này.
Nhiều gia đình Trung Quốc chỉ coi trọng kiến thức văn hóa, bài tập về nhà, điểm số và coi thường vóc dáng của con cái họ, đồng thời quan niệm "công việc tay chân là hình phạt đối với những ai không chăm chỉ hoặc không đủ thông minh". Thế là các trung tâm dạy thêm, luyện thi đại học nườm nượp hình thành.
Tuy nhiên, đến khi hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm, nhiều người không thể tìm được việc làm phù hợp chuyên môn thì vấn đề mới lòi ra. Số tân cử nhân ở Trung Quốc lên đến 8 triệu người hồi năm 2020, tăng hơn 30% so với 10 năm trước.
Cùng với đó là ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc mắc chứng béo phì, cận thị hay trầm cảm.
Chính phủ có kế hoạch tăng hàng chục triệu người thường xuyên vận động trong vòng 5 năm, đồng thời đảm bảo mọi cộng đồng dân cư đều có thiết bị tập thể dục.
Bằng cách cho phép nhiều sinh viên hơn tham gia vào khóa đào tạo có khả năng lấp đầy sự thiếu hụt công nhân lành nghề của nhà máy, những thay đổi mà chính phủ Trung Quốc đặt trọng tâm có thể giúp ích cho ngành sản xuất và công nghiệp của nước này.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít phụ huynh lo ngại. Họ có thể tìm lựa chọn thay thế cho khóa học thêm kiến thức nhưng vẫn muốn con cái họ tìm được công việc tốt.
"Tôi chỉ muốn hy vọng rằng quyền anh sẽ giúp cậu con trai nhút nhát của cô trở nên mạnh mẽ hơn và hướng ngoại. Tôi không muốn nó làm việc trong một nhà máy, điều đó quá khổ", Jenny Liu chia sẻ.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)