Từ giữa tháng 10, các nhà vườn trồng hoa kiểng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số tỉnh ĐBSCL đã tất bật xuống giống để chuẩn bị hàng cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2015.
Vừa trồng vừa lo
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, diện tích gieo trồng hoa vụ đông xuân toàn tỉnh lên tới 2.460 ha, tăng 125,7 ha so với năm trước, trong đó tập trung phần lớn tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương.
Còn ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp), nơi trồng hoa nổi tiếng ở ĐBSCL, năm nay diện tích trồng hoa kiểng đã tăng lên 313 ha, tập trung chủ yếu tại 2 xã Tân Quy Đông và Tân Khánh Đông, với khoảng 2.000 chủng loại hoa kiểng, như vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc Tiger, cúc Đài Loan, cát tường, xác pháo, yến thảo...
Ông Đinh Văn Ngọc - người trồng hoa cúc ở phường 7, TP Đà Lạt - cho biết do mùa Tết năm trước cúc được giá nên năm nay nhiều gia đình canh hoa nở vào đúng Tết. Diện tích hoa tăng lên càng khiến nhà vườn thêm nỗi lo. Cái lo trước mắt là nguồn giống để trồng.
Theo ông Ngọc, để có giống trồng 5.000 m2 hoa cúc, gia đình ông phải đặt vườn ươm trước đó cả tháng, giá tăng cao hơn 10\% so với thời điểm bình thường. Chưa hết, nhà vườn còn lo thời tiết nóng lạnh bất thường làm hoa nở không đúng dịp Tết, lo chợ dội hàng giá xuống thấp, thậm chí không thể bán được phải đổ bỏ. “Chính vì vậy mà dân Đà Lạt chúng tôi ngày càng không mặn với mùa hoa Tết” - ông Ngọc than.
Ươm giống hoa cúc phục vụ thị trường hoa Tết tại TP Đà Lạt Ảnh: THẠCH THẢO |
Chị Nguyễn Thị Thương - một người trồng hoa ở phường 12, TP Đà Lạt - cho biết gia đình chị có 7.000 m2 đất trồng nhưng năm nay chỉ trồng 3.000 m2 dành cho dịp Tết. “Làm hoa Tết rất cực, trong vòng 1 tuần cận Tết nhà vườn phải thức xuyên đêm thu hoạch, đóng gói, gửi hoa đến nơi tiêu thụ. Nếu giá hoa cao thì mừng, còn rớt giá thì coi như mất vốn. Năm nay, nhiều nhà vườn ở địa phương khác cũng đổ về Đà Lạt mua giống về trồng nên khả năng hàng dội chợ rất cao” - chị Thương nói.
Theo ông Võ Văn Sang - Phó Chủ tịch UBND phường 12, TP Đà Lạt - mùa hoa Tết năm nay địa phương có 50 ha hoa các loại, trong đó chiếm 95\% là hoa cúc, tăng khoảng 5\% so với năm trước. Tuy nhiên, phần lớn người trồng hoa không mặn mà với vụ hoa Tết bởi chi phí đầu tư lớn nhưng sự rủi ro lại cao. Dù vậy, nhiều nhà vườn vẫn phải làm để cung cấp cho các vựa tại TP HCM nhằm giữ mối cho nhiều dịp khác.
Đủ thứ rủi ro
Nói về những rủi ro nhà vườn Đà Lạt mắc phải mỗi dịp Tết, ông Võ Văn Sang cho biết giữa người cung cấp hoa và người nhận tiêu thụ hầu hết đều làm ăn theo hợp đồng miệng, chữ tín là chính nên khi xảy ra tranh chấp, người trồng hoa đều thua thiệt. Thực tế cho thấy tại Đà Lạt, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng người trồng hoa bị chủ vựa nhận tiêu thụ quỵt tiền bán hoa, nhiều thì hàng chục gia đình, ít thì vài ba hộ trở thành nạn nhân.
“Trồng hoa Tết nếu trúng giá, doanh thu tăng cao nhất cũng chỉ được 15\% trên diện tích đất canh tác. Còn nếu thua lỗ thì rất nặng bởi giá thuê nhân công trồng hoa Tết, cước vận chuyển, giá cây giống… đều tăng gấp đôi so với ngày thường” - ông Sang phân tích.
Cũng theo ông Sang, những năm gần đây Đà Lạt không còn giữ thế độc quyền hoa Tết do bị nguồn hoa từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, chưa kể hoa Trung Quốc cạnh tranh gay gắt khiến rủi ro càng cao. Chính vì vậy mà làng hoa tại phường 12, TP Đà Lạt có trên 320 ha trồng hoa trong nhà kính nhưng người dân chỉ dành 50 ha phục vụ thị trường Tết.
Tương tự, diện tích trồng hoa kiểng truyền thống phục vụ Tết ở phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc năm nay cũng giảm 40\% so với năm ngoái vì người trồng lo lắng sự bấp bênh của thị trường. “Tôi đã theo nghề này 30 năm rồi nên khó khăn mấy cũng phải bám trụ. Có năm, dù lỗ trắng tay nhưng năm sau vẫn phải trồng vì cái nghề của cha mẹ để lại nên không thể bỏ” - ông Trần Văn Thanh - ngụ phường Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc - nói.
Chuẩn bị trái cây “độc” Các loại trái cây “độc” như bưởi hồ lô, dưa hấu hồ lô, dưa hấu xe hơi, dưa hấu vuông và cả dưa hấu hình bản đồ… hiện đang được các nhà vườn ở ĐBSCL tất bật chăm sóc, bón phân, tạo dáng cho quả để tung ra thị trường dịp Tết. Ông Trần Thanh Liêm (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết Tết năm nay, gia đình ông đã chuẩn bị khoảng 100 cặp dưa hấu hình vuông, 500 cặp dưa hấu thỏi vàng trên diện tích 5.000 m2. Sản phẩm này trồng khoảng 2 tháng 10 ngày có thể thu hoạch. Ông Liêm dự đoán giá bán dưa hấu thỏi vàng loại 1,7 kg trong dịp Tết vào khoảng 3 triệu đồng/cặp. Còn loại dưa hấu hình thỏi vàng có chữ “Tài - Lộc” bằng lối viết thư pháp nổi lên bề mặt trái dưa thì giá 3,5 triệu đồng/cặp. Dưa hấu vuông loại 1,7 kg khoảng 1,3 triệu đồng/cặp, loại trên 2 kg là 1,7 triệu đồng/cặp. Nông dân Huỳnh Ngọc Hải (ấp Khánh Hội B, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cũng đang chuẩn bị cho thị trường Tết 200 cặp dưa hấu hồ lô “Hắc Mỹ Nhân”, dưa “Tiểu Hắc Long” (không hạt) và dưa hồ lô vàng ít hạt bán với giá từ 3,5-4 triệu đồng/cặp. |