Mới đây, Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) đã công bố loạt ảnh lãnh đạo Kim Jong-un thị sát xưởng đóng tàu Nampo và kiểm tra một chiến hạm đang hoàn thiện trên ụ khô.
Hình ảnh chiến hạm này từng xuất hiện trong triển lãm quốc phòng của Triều Tiên hồi tháng 11, song chỉ cho thấy phần mũi tàu và tiết lộ rất ít chi tiết. Truyền thông nhà nước Triều Tiên hồi tháng 9 cũng công bố ảnh ông Kim đang thị sát chiến hạm, nhưng bức ảnh bị cắt cúp và cũng không tiết lộ nhiều thông tin.
KCTV không cho biết loạt ảnh mới được chụp khi nào, song một số đó dường như được chụp trong chuyến thăm của lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 9.
Các hình ảnh hé lộ kích thước đồ sộ của tàu, với chiều ngang ước tính khoảng 15m, vượt xa các lớp tàu Amnok và Tuman vốn là những tàu chiến lớn nhất mà Triều Tiên từng đóng trong nhiều thập kỷ qua.
Theo chuyên gia Joseph Dempsey từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), tàu mới này có chiều dài hơn 100m, có khả năng vượt trội đáng kể so với các lớp tàu trước đó như tàu hộ tống Najin từ những năm 1970.
Tuy nhiên, để được coi là tàu khu trục đúng nghĩa, kích thước này cần vượt qua ngưỡng của các tàu hộ tống hiện đại, thường dài trên 120m.
Hình ảnh con tàu của Triều Tiên. Ảnh: KCTV
Điểm nổi bật trong thiết kế của con tàu là sự hiện diện của khu vực dành cho hệ thống VLS ngay phía trước cầu tàu. Dù chưa lắp đặt hệ thống này, đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đang hướng tới việc trang bị các loại tên lửa phòng không, tên lửa đối hạm, hoặc thậm chí tên lửa hành trình tấn công đất liền... Điều này sẽ mang lại năng lực tác chiến đa dạng và sâu rộng hơn cho tàu so với các thiết kế trước đây.
"VLS sẽ giúp tàu chiến Triều Tiên mang được nhiều tên lửa hơn hẳn so với các chiến hạm trong biên chế hiện nay, cũng như cho phép triển khai nhiều loại vũ khí trên một loại bệ phóng thống nhất", cây bút Thomas Newdick viết trên trang quân sự War Zone của Mỹ.
Ngoài ra, các khe lớn ở phần cấu trúc thượng tầng phía trước tàu được thiết kế để lắp đặt radar mảng pha. Nếu được triển khai, hệ thống radar này sẽ cung cấp khả năng phòng không vượt trội, cho phép tàu đảm nhận vai trò như một tàu hộ tống phòng không chuyên dụng, điều mà Triều Tiên đang thiếu.
Tờ Korea Joongang Daily của Hàn Quốc ước tính chiến hạm Triều Tiên có lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn.
Ngoài mẫu tàu mới, Triều Tiên cũng đang phát triển một số chiến hạm mặt nước khác, trong đó có tàu săn ngầm cỡ nhỏ và tàu tên lửa. Bình Nhưỡng cũng được cho là đang chế tạo khí tài hoạt động trong lòng biển, trong đó có mẫu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên từng tuyên bố việc tăng cường lực lượng hải quân là "vấn đề quan trọng nhất trong việc bảo vệ chủ quyền hàng hải đất nước và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu".
Hồi tháng 11, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng chỉ đạo cuộc thử nghiệm máy bay không người lái tự sát và ra lệnh sản xuất hàng loạt. Ông Kim Jong-un tiết lộ xu hướng sử dụng những loại UAV như vậy trên khắp thế giới đòi hỏi Triều Tiên phải nhanh chóng cập nhật.
Cuộc cạnh tranh sử dụng UAV nhằm mục đích quân sự đang diễn ra trên toàn thế giới, khi các bên có thể nhận ra ưu điểm của chúng trong cuộc xung đột ở nhiều quy mô khác nhau.