“Tín dụng đen” biến tướng với thủ đoạn tinh vi
Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch Covid kéo dài, các tổ chức “tín dụng đen” cho vay với lãi suất “cắt cổ” len lỏi đến tận các làng quê ở Thanh Hóa. Hoạt động cho vay dưới các hình thức như cầm đồ, vay trực tuyến qua app, zalo, facebook... diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên Đời sống & Pháp luật, nhiều người dù không vay nợ bỗng dưng trở thành nạn nhân của “tín dụng đen” khi liên tục bị nhắn tin, khủng bố. Thậm chí, bị các đối tượng đưa ảnh cá nhân lên mạng xã hội để gây sức ép đòi nợ.
Theo đó, khi vay tiền, người vay buộc phải đồng ý cho phép ứng dụng truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội. Nếu người vay không trả tiền đúng hạn thì dữ liệu danh bạ này sẽ bị sử dụng như công cụ gây sức ép đòi nợ. Vì thế, nhiều người bỗng dưng bị “dính oan”, vướng vào vòng xoáy tín dụng đen dù là không liên quan đến khoản vay.
Ngoài ra, những ứng dụng cho vay tiền online là hình thức biến tướng của hoạt động “tín dụng đen” và việc điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng “núp bóng” đằng sau các ứng dụng vay tiền này cũng rất khó khăn.
Điển hình, tháng 5/2021, cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã bắt giữ băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” do đối tượng Nguyễn Đình Văn (SN 1989, ở xóm 24, xã Xuân Tín) cầm đầu. Khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của Văn, Công an huyện Thọ Xuân đã tạm giữ 30 hợp đồng cho vay tín chấp, 2 máy in màu phục vụ in ảnh, hợp đồng cho vay, 58 xe máy, 3 xe ô tô và gần 1 tỷ đồng tiền mặt.
Theo cơ quan công an, đối tượng Văn đã có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Sau khi chấp hành xong án tù vào tháng 4/2019, trở về địa phương, Văn đã nhờ người đứng tên mở Công ty TNHH và Thương mại Văn Vũ, chuyên kinh doanh xe đạp, xe máy và cầm cố tài sản.
Quá trình điều tra cho thấy, công ty này là bình phong để Văn hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, ký gửi, mua bán xe máy. Để hoạt động, Văn thu nạp nhiều đàn em từ TP Thanh Hóa và xã Quảng Phú (Thọ Xuân) về nhà mình, với danh nghĩa nhân viên công ty, để điều hành giao dịch việc cho vay, thu hồi nợ.
Phương thức hoạt động “tín dụng đen” do Văn cầm đầu rất tinh vi. Theo đó, khi cho người khác vay tiền, Văn yêu họ viết giấy, nhưng không ghi lãi suất, mà thỏa thuận bằng hình thức tín chấp. Khi người vay ký nhận hoặc điểm chỉ, thì chụp ảnh lại vào máy điện thoại di động. Nếu người vay không trả đúng hạn, nhóm của Văn sẽ uy hiếp gia đình, người thân của họ.
Đối tượng Văn (ngoài cùng bên trái)
Trao đổi với báo chí, ông Hà Quang Hiếu, Phó Trưởng Công an huyện Thọ Xuân cho biết, với lãi suất 5.000 đồng/1triệu/ngày, tương đương với 194%, Văn đã cho nhiều cá nhân trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Thọ Xuân vay tiền, thu lợi bất chính số tiền lớn.
Cần tỉnh táo trước các gói “vay nóng”, “vay nhanh” không phép
Theo ông Hà Quang Hiếu, nhu cầu được tiếp cận khoản “vay nóng”, vay gấp của người dân rất cao (nhất là các đối tượng người lao động có thu nhập thấp); trong khi đó, để tiếp cận được khoản vay nóng với thời gian ngắn thì không có tổ chức tín dụng chính thống nào đáp ứng và đó chính là kẽ hở để “tín dụng đen” tiếp cận.
Bên cạnh đó, việc tổ chức cho vay tiền với lãi suất cao, đem lại nguồn thu nhập lớn, nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ, mà sẽ chuyển sang các hình thức hoạt động tinh vi hơn nhằm đối phó với cơ quan chức năng cùng với đó là các chế tài xử phạt còn thấp.
Luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, để giảm loại tội phạm này đến mức thấp nhất có thể, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân bằng nhiều hình thức, giúp họ nắm được phương thức, thủ đoạn và tác hại của hoạt động ‘tín dụng đen’, không nên tiếp cận các gói vay “nóng”, vay nhanh mà không cần bất cứ tài sản nào thế chấp. Đồng thời, sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh triệt phá, xử lý nghiêm tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.
H.P