Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trẻ mới sinh được cấp số định danh cá nhân như thế nào?

(DS&PL) -

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), cho biết cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp được liên kết với cơ sở dữ liệu d

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), cho biết cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp được liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Việc cấp số định danh cho trẻ em khi khai sinh đang thí điểm 4 thành phố lớn diễn ra rất nhanh, mất chưa đến 1 phút.

Chiều 15/11, Báo Nhân dân phối hợp với Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức buổi tọa đàm về “Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu”. Nhiều vấn đề người dân thắc mắc sau khi Nghị quyết 112 của Chính phủ ban hành đã được giải đáp trong buổi tọa đàm.

Hiểu đúng về thông tin “bỏ hộ khẩu”

Trước thông tin cho rằng cơ quan công an bỏ sổ hộ khẩu từ 30/10, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho hay, quản lý hộ khẩu, trong đó có tạm trú, thường trú và giấy chứng minh nhân dân là một giấy tờ tùy thân duy nhất chứng minh nhân thân của mỗi con người, không thể bỏ được, các nước trên thế giới cũng không bỏ được hộ khẩu.

Sau khi xây dựng hoàn thiện xong cơ sở dữ liệu dân cư mỗi người sẽ có số định danh chứa đựng 15 trường thông tin cơ bản của mỗi người để sau này công dân giao dịch tại các cơ quan Nhà nước. Sau này công dân chỉ cần mang số căn cước này trong đó có số định danh, cơ quan Nhà nước truy cập vào số định danh sẽ ra thông tin công dân thay vì rất nhiều loại giấy tờ. Vì vậy chỉ bỏ cách quản lý bằng thủ công như hiện nay sang quản lý bằng điện tử nghĩa là cơ quan công an vẫn quản lý bằng hộ khẩu. Về Chứng minh nhân dân, Chính phủ đã cho phép cấp thí điểm căn cước công dân.

Tọa đàm trực tuyến “Lộ trình thay đổi hình thức quản lý hộ khẩu” - Ảnh: Pháp luật plus

Bộ Công an đã cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh. Theo luật Căn cước công dân, đến ngày 1/1/2020, 47 tỉnh còn lại sẽ cấp hết căn cước công dân với số định danh công dân. Bởi vậy việc hiểu bỏ hộ khẩu, căn cước công dân là không đúng. Từ nay cho đến khi Cơ sở dữ liệu về công dân hoàn thiện thì mọi việc vẫn diễn ra bình thường.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Theo đó, tại Điều 2, Nghị quyết có quy định: “Giao Bộ Công an căn cứ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Như vậy, việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi dự án được hoàn thành, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình triển khai thực hiện việc cắt bỏ thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân.

"Vì vậy, thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân vẫn còn nguyên giá trị sử dụng như hiện nay" - Trung tướng Trần Văn Vệ thông tin.

Cấp số định danh cho trẻ mất không đến 1 phút

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Công Khanh, Cục Trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp cho hay, như chúng ta đã biết, ý thức được tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đặc biệt là mã hóa dữ liệu nhân thân của con người, ngay từ khi xây dựng dự thảo luật căn cước công dân cũng như luật hộ tịch, các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tư pháp và Bộ Công an phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong quá trình xây dựng. Vì thế hai luật này ngay từ khi được Quốc hội thông qua cùng thời điểm vào tháng 11/2014 và cùng thực hiện có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, thì hai bộ phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong việc đầu tiên là thí điểm để cấp số định danh cá nhân thông qua đăng ký khai sinh.

"Như chúng ta đã biết, từ 1/1/2016, cả hai luật này bắt đầu có hiệu lực. Về phía Bộ Tư pháp, chúng tôi bắt đầu triển khai thí điểm việc đăng ký khai sinh và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em sinh ra và đăng ký khai sinh từ 1/1/2016 tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng. Có thể nói, ba tháng đầu thí điểm cho thấy kết quả rất tốt. Quá trình cấp giấy khai sinh cho trẻ em, kể cả được cấp số định danh cá nhân thì rất ngắn. Sau khi thông tin ở cán bộ tư pháp của tỉnh cập nhật chuyển lên Bộ Tư pháp và chuyển sang Bộ Công an để lấy số định danh rồi quay trở lại cho cán bộ tư pháp tỉnh thì chưa hết một phút, đã in xong giấy khai sinh cho trẻ rồi. Có thể nói tiện ích rất lớn" - Ông Khanh cho biết.

Cũng theo ông Khanh, trên tinh thần như vậy, sau ba tháng đầu, Bộ Tư pháp chúng tôi mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác. Hiện nay, có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và trực tiếp kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục mở rộng thêm 10 tỉnh nữa. Tức là hết năm 2017, phấn đấu khoảng 28 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân.

Ông Nguyễn Công Khanh, Cục Trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp - Ảnh: Báo Nhân Dân

Về câu hỏi khi sử dụng dữ liệu phải kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cấp mã số định danh có lợi ích gì trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch và quản lý của bộ, ngành, ông Nguyễn Công Khanh cho biết thêm:

Thứ nhất là về công tác thống kê nếu Bộ Tư pháp hay Chính phủ có yêu cầu thống kê về số liệu trẻ em sinh ra hay số liệu đăng ký hộ tịch của một địa phương nào đó ứng dụng công nghệ thông tin này thì chúng ta có thể lấy được ngay dữ liệu bởi vì tất cả đã nằm trên hệ thống nên thống kê nhanh, kịp thời và chính xác.

Thứ hai, phục vụ lợi ích cho người dân, thí dụ các tỉnh đã ứng dụng phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh, thành phố khác nếu xin trích lục khai sinh cho trẻ em chỉ cần nêu số định danh cá nhân của mình 12 số thôi, lập tức trên hệ thống hiện lên thông tin khai sinh của đứa trẻ, cán bộ chỉ cần in ra và bảo đảm thời gian trích lục thông tin rất nhanh.

Ý thứ ba chúng tôi cho rằng rất tiện lợi là tới đây chúng tôi tiếp tục đề nghị các bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tỉnh, thành phố có điều kiện yêu cầu cho sử dụng trước, khi có thông tin khai sinh của trẻ nằm trong hệ thống thì các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở mầm non… có thể trực tiếp kết nối khai sinh của Bộ Tư pháp có thể trực tiếp kết nối như vậy sẽ tiện lợi cho các cháu trong việc học hành và sẽ không phải cấp bản chính, bản sao giấy khai sinh, kể cả các cơ quan bảo hiểm cấp bảo hiểm cho trẻ em dưới sáu tuổi miễn phí thì cũng có thể trực tiếp kết nối để cấp bảo hiểm.

"Như vậy, trước mắt có thể thấy được với ngành, lĩnh vực, có thể trực tiếp có nhu cầu kết nối thì đã rất thuận lợi rồi. Qua đánh giá sơ bộ, chúng tôi thấy bước đầu có hiệu quả nhất định bằng việc quản lý hộ tịch điện tử" - ông Khanh nhấn mạnh.

Ngày 30/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý công dân thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an.

Đáng chú ý có việc thay thế sổ hộ khẩu và CMND bằng mã số định danh cá nhân, tránh phiền hà cho công dân được rất nhiều người hoan nghênh. Bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về sự thay đổi có tính bước ngoặt này.

Cự Giải (T/h)

Tin nổi bật