Trời trở lạnh, trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp trên. Bệnh này không quá nguy hiểm song điều đáng lo là dễ tái phát, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Viêm đường hô hấp trên là gì?
Hệ hô hấp của chúng ta được tính bắt đầu từ cửa mũi trước đến tận các phế nang trong phổi. Đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và cả thanh quản. Hệ thống hô hấp trên có chức năng chủ yếu là lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Các bộ phận của đường hô hấp dưới một phần chức năng thực hiện lọc không khí và phần chức năng còn lại là trao đổi khí.
Là cơ quan đầu ngoài cùng tiếp xúc với không khí nên hầu như mọi điều kiện bất lợi của môi trường đều do đường hô hấp trên gánh chịu hết như bụi, lạnh, nóng, hơi độc, kể cả các virus, vi khuẩn, nấm mốc. Bởi thế, nếu xét về tỷ lệ mắc bệnh hô hấp thì tỷ lệ bệnh mắc đường hô hấp trên chiếm phần lớn so với tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp khác.
Viêm đường hô hấp trên là một chứng bệnh thường gặp hàng năm, mắc tái diễn, nhiều lần và là một chứng bệnh chủ yếu gây giảm giờ làm và giờ học của nhóm người mắc bệnh trên toàn thế giới. Mặc dù là loại bệnh “tự khỏi” nhưng những phiền toái do chúng gây ra cũng đủ tạo ra những thiệt hại đáng kể về sức khoẻ và kinh tế.
Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên
đa phần nguyên nhân gây ra viêm đường hô hấp trên là các virus. Ngoài ra chúng ta có thể gặp các nguyên nhân khác như vi khuẩn, nấm, bụi, khí độc. Có thể kể ra đây một số loại vi rút điển hình như: virus Rhino, Corona, Á cúm Parainfluenza, Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV. Một số loại vi khuẩn cũng thường gặp trong bệnh viêm đường hô hấp trên là liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, một số loại nấm...
Khi vào mùa lạnh, sức miễn dịch của cơ thể con người thường suy giảm, phản ứng tiết dịch nhiều nên virus và vi khuẩn dễ dàng bám dính qua đường hô hấp trên và gây bệnh.
Trẻ nhỏ dễ bị viêm đường hô hấp trên vì có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. |
Biểu hiện khi viêm đường hô hấp trên
Những triệu chứng chủ yếu bao gồm: sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, tắc mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, lạc tiếng, giọng mũi, khản đặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp…
Đặc điểm quan trọng của viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Chính vì thế mà sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn.
Thân nhiệt thường là 39oC trở lên. Đi kèm với sốt là hắt hơi, sổ mũi, người bệnh hắt hơi nhiều hơn mức bình thường, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Có khi hắt hơi đến rát cả mũi họng. Sau đó người bệnh sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.
Phòng tránh viêm đường hô hấp trên
Trẻ nhỏ dễ bị viêm đường hô hấp trên vì có sức đề kháng yếu, dễ mẫn cảm với các tác nhân gây bệnh. Bệnh này không quá nguy hiểm song điều đáng lo là dễ tái phát, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ.
Cần giữ ấm cơ thể trẻ, nên quàng khăn giữ ấm cổ cho bé, đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối.
Các bác sĩ khuyên phụ huynh khi con bị viêm đường hô hấp trên sốt cao từ 39 độ trở lên nên dùng ngay thuốc hạ sốt. Cứ 30 đến 60 phút cặp đo nhiệt độ một lần hoặc bất cứ khi nào thấy cơ thể trẻ nóng hơn.
Lưu ý: Không dùng nước đá hoặc nước lạnh để hạ nhiệt cho trẻ, vì nước lạnh quá làm cản trở sự thoát nhiệt của cơ thể khiến trẻ sốt cao hơn, nguy hiểm hơn. Tuyệt đối không để bé sốt cao và kéo dài, không tự ý mua thuốc điều trị theo sự mách bảo của người không có chuyên môn.
Trường hợp bệnh nhi bị chảy mũi quá nhiều, nên dùng thuốc nhỏ hoặc xịt mũi. Có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để làm sạch, thông mũi trước khi cho bé ăn, bú. Tốt nhất, cha mẹ nên hỏi ý kiến của dược sĩ hay bác sĩ để lựa chọn loại thuốc xịt phù hợp cho trẻ.
Mỹ An (T/h)