Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trao giải cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Sáng 21/12, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM và báo Đời sống và Pháp luật đã long trọng tổ chức buổi lễ Tổng kết và trao giải cuộc th

(ĐSPL) - Sáng 21/12, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM và báo Đời sống và Pháp luật đã long trọng tổ chức buổi lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014”.

Đến dự buổi tổng kết và trao giải về phía Hội Luật gia Việt Nam có ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam.

Về phía khách mời có Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên ủy viên TW Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đặng Quốc Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; TS. Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ; Thiếu tướng Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân.

Sau 4 tháng phát động, chọn lọc hàng ngàn tác phẩm, 18 giải thưởng đã được trao cho các cá nhân, tập thể có những bài dự thi chất lượng về mặt nội dung và hình thức ấn tượng. Trao đổi với PV, các thành viên trong ban tổ chức, ban giám khảo đều chung nhận định, cuộc thi đã nhận được rất nhiều tư liệu quý về biển đảo quê hương và là dịp để hàng triệu trái tim Việt thể hiện tình yêu Tổ quốc.

Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm với cá nhân và tập thể đoạt giải Nhất. (Ảnh Bảo Lâm)

Chủ quyền Biển đảo là bất khả xâm phạm!

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014”, Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, từ ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã bất chấp đạo lý, pháp lý, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; sau đó lại tiến hành xây dựng, cải tạo một số đảo, bãi đá thuộc hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Việc làm này của Trung Quốc không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà còn đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải của khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh này, Đảng và Chính phủ đặt ra nhiệm vụ phải nỗ lực cao nhất bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Hưởng ứng quan điểm nhất quán ấy, nhiều tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân đã hướng về biển đảo bằng những hành động thiết thực.

Cũng trong dịp này, báo chí cả nước nói chung và báo Đời sống và Pháp luật, báo Điện tử Người Đưa Tin nói riêng đã đăng tải nhiều loạt bài viết ca ngợi tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc của người con dân Việt; phân tích các khía cạnh pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; tuyên truyền đường lối đấu tranh phù hợp của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo; đăng tải những bài viết, ý kiến ủng hộ Việt Nam của bạn bè quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Từ rất nhiều ý kiến phản hồi, gợi ý từ độc giả trên khắp mọi miền đất nước, được sự chỉ đạo của Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM, báo Đời sống và Pháp luật đã chính thức phát động cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014” như một kênh để thu nhận những bằng chứng pháp lý, những ý tưởng sáng tạo trong đấu tranh pháp lý và là cách để mọi tầng lớp nhân dân thể hiện tình yêu đất nước, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cũng theo Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, trong 5 tháng kể từ ngày phát động cuộc thi, ban Tổ chức đã nhận được hàng ngàn bài dự thi gửi qua hòm thư điện tử, bưu điện và trực tiếp đến Toà soạn báo Đời sống và Pháp luật. Trong đó đặc biệt có những bài viết khá xúc động của những em học sinh, có em mới chỉ học lớp 7, những công trình nghiên cứu công phu của các tập thể sinh viên thuộc Học viện An ninh Nhân dân, hay một công trình kỳ công viết tay dày 500 trang giấy A3 của một cựu chiến binh 70 tuổi...

Tất cả đều toát lên tình yêu biển đảo vô bờ bến của nhân dân Việt Nam và tinh thần đoàn kết, đồng lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Từ khối lượng bài dự thi đa dạng đó, ban Tổ chức đã rất khó khăn để lựa chọn ra được 58 bài viết, công trình nghiên cứu vào vòng chung khảo.

Hội đồng chung khảo đã làm việc nghiêm túc, khách quan và quyết định trao tặng 11 giải thưởng dành cho cá nhân (gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba , 6 giải Khuyến khích và 1 giải Phụ cho Thí sinh nhỏ tuổi nhất); 10 giải tập thể (gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải Khuyến khích và 1 giải phụ cho tập thể có nhiều bài dự thi xuất sắc nhất. Kết quả cuộc thi thực sự đã gây ấn tượng bất ngờ đối với những thành viên ban chung khảo – là những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực pháp lý, biên giới và hải đảo. “Với ý nghĩa sâu sắc, sức lan toả sâu rộng và sự thành công ngoài mong đợi của cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014” do Hội Luật gia Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM chỉ đạo và báo Đời sống và Pháp luật thực hiện, chúng tôi hy vọng cuộc thi sẽ được tổ chức thường niên để khẳng định: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam! Chủ quyền ấy là bất biến và bất khả xâm phạm!”, Tổng Biên tập báo Đời sống & Pháp luật Nguyễn Tiến Thanh nhấn mạnh.

Theo thông tin từ ban tổ chức, sau thời gian phát động cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014”, để chọn ra được những tác phẩm xuất sắc nhất trao giải, hội đồng chấm giải chung khảo làm việc liên tục trong thời gian 3 ngày với sự trung thực, căn cứ trên nội dung, sự công phu và chất lượng của các tác phẩm dự thi.

Không tình yêu nào lớn lao, thiêng liêng bằng tình yêu Tổ quốc

Các công trình tập thể tham gia dự thi cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014” là những công trình hết sức công phu, trình bày khoa học đã cho thấy, cuộc thi đã có sức hút hết sức mạnh mẽ. Chủ nhân của các tác phẩm dự thi được đánh giá cao năm nay đều thuộc về các bạn trẻ 9X, hiện là sinh viên của các trường đại học – cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Công trình của nhóm Tự Hào C500 – Sao Mai (đoạt giải Nhất nội dung tập thể), nhóm Mắt Bão (đoạt giải Nhì nội dung tập thể) hay như nhóm Tuổi Trẻ C500 đoạt giải Khuyến khích nội dung tập thể... và nhiều tác phẩm khác nữa. Mỗi công trình của một nhóm có từ 5 đến 10 tác phẩm, đề cập đến từng chủ đề khác nhau. Các công trình đã đề cập nội dung một cách phong phú và có hệ thống từ vấn đề pháp lý đến lịch sử và tình yêu của người dân với biển đảo quê hương. Trong đó, mỗi một tác phẩm lại có độ dày từ 200 đến 300 trang, có công trình tham gia dự thi lên đến hơn 3.000 trang. Để hoàn thiện những công trình đồ sộ và công phu như trên, các thành viên của nhiều nhóm đã thực hiện tác phẩm dự thi miệt mài, liên tục trong nhiều tháng.

Trong nhiều công trình tập thể trong cuộc thi lần này, các công trình dự thi của nhóm Mắt Bão, nhóm Tuổi Trẻ... cho thấy một sự kỳ công hiếm có. Các thành viên trong nhóm đã phát giấy đến nhiều sinh viên ở hàng chục trường đại học để thu thập tâm nguyện và cảm nghĩ của họ về tình yêu đối với Biển Đảo, về Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đến khi tổng kết cuộc thi, báo Đời sống & Pháp luật đã nhận được hàng ngàn tâm thư của các bạn trẻ, ở đó, họ viết lên tình cảm yêu thương, khát vọng hoà bình và trách nhiệm của mình với đất nước, dân tộc. Cũng trong các công trình này, các bạn trẻ đã cho thấy một sự hiểu biết cơ bản của mình về pháp lý và các căn cứ pháp lý để chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Đặng Quốc Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết: “Trong hoạt động của Trung ương Đoàn, nhiệm vụ tuyên truyền tình yêu biển đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt thời gian qua. Tôi cảm thấy xúc động trước sự hưởng ứng của đông đảo người dân trong đó có thế hệ trẻ. Tôi cho rằng, đây không chỉ là một cuộc thi mà là nơi người dân và thế hệ trẻ bày tỏ tình cảm của mình với Tổ quốc, đặc biệt là giới trẻ. Tôi đánh giá cao cuộc thi này và sự nỗ lực của ban tổ chức”.

Chia sẻ về mục đích tham gia cuộc thi, Vũ Văn Trọng, Trưởng nhóm Tự Hào C500 - Sao Mai, nhóm giành giải Nhất, nội dung tập thể cho hay: "Là một chiến sỹ công an nhân dân tương lai, chúng em thấy mình có một phần trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng. Qua tác phẩm của mình, chúng em mong muốn góp phần tuyên truyền các kiến thức pháp luật về biển đảo đến nhân dân cả nước và đặc biệt là thế hệ trẻ. Tham gia cuộc thi cũng là cơ hội cho chúng em, mở mang sự hiểu biết của mình về kiến thức pháp luật biển đảo, qua đó chia sẻ đến người thân bạn bè để cùng chung tay bảo vệ Biển đảo quê hương".

Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Trần Bích Thủy, người đoạt giải Nhất giải cá nhân xúc động nói: "Tôi cho rằng đây là cuộc thi rất ý nghĩa, thiết thực với bản thân tôi và người dân Việt. Những hành vi ngang ngược của Trung Quốc đi trái với đạo lý, pháp lý, gây bức xúc dư luận trong nước và quốc tế. Do đó, khi tham gia cuộc thi này, tôi mong muốn tác phẩm của mình sẽ gây được ấn tượng với thế hệ trẻ để các bạn trẻ có ý chí và hiểu biết đầy đủ, toàn diện hơn nữa về chủ quyền biển đảo. Khi được ban tổ chức chấm giải Nhất cho tác phẩm của mình, tôi thực sự rất xúc động và hạnh phúc. Đây là vinh dự không chỉ của riêng cá nhân tôi mà của tỉnh Đồng Nai. Tôi muốn khẳng định rằng, tuy Đồng Nai không phải là một tỉnh có biển nhưng Biển đảo quê hương luôn ở trong trái tim của người dân quê tôi, cũng như trong triệu triệu trái tim của toàn thể người dân Việt Nam”.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch hội đồng Chung khảo cuộc thi chia sẻ: "Đại diện cho hội đồng chung khảo, tôi cảm thấy vô cùng vui mừng khi được tham gia đọc và lựa chọn những bài viết, công trình có giá trị về mặt tư liệu, pháp luật, tình yêu biển đảo để trao giải. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn. Bởi chúng tôi phải lựa chọn từ hàng ngàn tác phẩm rất tâm huyết và công phu của các thí sinh mới lọc được những tác phẩm hay nhất. Tôi rất xúc động khi nhìn thấy những tác phẩm dày hàng ngàn trang. Về phần hội đồng chung khảo, chúng tôi phải làm việc từ sáng sớm đến đêm trong mấy ngày trời để tìm được những công trình hay nhất. Khi chấm, chúng tôi thấy, nhiều bài có thể khen thưởng được và đã đề xuất với ban tổ chức. Có thể nói, cuộc thi đã nêu ra một chủ đề thu hút sự đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tham gia".

Hội đồng chung khảo cuộc thi “Tìm hiểu Pháp luật về Biển đảo Việt Nam lần thứ Nhất 2014” gồm: GS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Chung khảo. Và các thành viên hội đồng giám khảo gồm: TS. Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ; TS. Viện sỹ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam; ông Lê Quang Tự Do – ủy viên Ban Chấp hành, quyền Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Đoàn TNCS HCM; Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật và Nhà báo Lê Tuấn Dũng, Phó Tổng Biên tập báo Đời sống và Pháp luật.

Danh sách các cá nhân, tập thể đoạt giải cuộc thi

Giải tập thể:

Giải Nhất: Nhóm Tự Hào C500- Sao Mai; Giải Nhì: Nhóm Mắt Bão; Giải Ba: Nhóm Hồng Kỳ + Kết nối C500 + Bút Việt; nhóm Đồng đội C500; Giải khuyến khích: Nhóm Tuổi trẻ C500, nhóm Vững bước C500, nhóm Dấu ấn + Khát vọng C500, nhóm Vì bình yên cuộc sống + Kết nối C500, nhóm Tài năng; Giải Phụ: Học viện An ninh Nhân dân.

Giải cá nhân:

Giải Nhất: Trần Bích Thuỷ (33 Nguyễn Đình Chiểu, Phước Hải, Long Thành, Đồng Nai); Giải nhì: Phạm Khánh Quyên (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc); Giải Ba: Trần Ngọc Hải (ấp 3, Tân Long, Phú Giáo, Bình Dương); Nguyễn Ngọc Thu (đường 2/9, số 4, Trảng Bom, Đồng Nai); Giải Khuyến khích: Nguyễn Trung Tuyên (Tiểu đoàn BB309, Trung đoàn BB1, Sư đoàn BB330, thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên, An Giang); Nghiêm Văn Tuấn (Trung đoàn B3D43, Học viện An ninh Nhân dân); Phạm Quang Nghĩa (Trung đoàn B3D43, Học viện An ninh Nhân dân); Nguyễn Sỹ Nhân (Ban dân vận Thành ủy Pleiku-Gia Lai); Nguyễn Hữu Hiệp (226 Tôn Đức Thắng, Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang); Nguyễn Kỳ Tây (Trường THCS ân Hảo, Hoài ân, Bình Định); Giải dành cho thí sinh trẻ tuổi nhất: Nguyễn Minh Châu (12 tuổi, lớp 7A2, trường THCS Văn Lang, Q.1, TP. HCM).

Tin nổi bật