Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tranh cãi thương hiệu bảo hộ ‘Nhôm Việt Pháp’: Viện khoa học Sở hữu Trí tuệ lên tiếng

(DS&PL) -

Viện khoa học Sở hữu Trí tuệ đã có kết luận xung quanh tranh cãi về việc “nhôm Việt Pháp”, “Shal” có phải là thương hiệu được bảo hộ của một doanh nghiệp nhôm thanh địn

Viện khoa học Sở hữu Trí tuệ đã có kết luận  xung quanh tranh cãi về việc “nhôm Việt Pháp”, “Shal”  có phải là thương hiệu được bảo hộ của một doanh nghiệp nhôm thanh định hình hay là tên thương mại phổ biến của các doanh nghiệp.

 ‘Nhôm Việt Pháp’ là tên thương mại  phổ biến

Thời gian vừa qua, cộng đồng các doanh nghiệp nhôm thanh định hình tại Việt Nam không ngừng tranh cãi về thông tin những chữ  “nhôm Việt Pháp”, “nhôm hệ Việt Pháp”, “nhôm Việt Pháp Shal”… là tên phố biến được dùng chung hay là thương hiệu riêng được cơ quan nhà nước  bảo hộ.

Tranh cãi kể trên trở nên căng thẳng hơn khi một doanh nghiệp xin được Cục sở Hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu cho tên “Nhôm Việt Pháp Shal”. Từ cơ sở này, doanh nghiệp đó (Công ty Cổ phần nhôm Việt Pháp Shal – Nhà máy nhôm Việt Pháp) đã tố cáo các đơn vị khác xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” của mình.

Trước làn sóng tranh cãi giữa các doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ, Viện Khoa học Sở hưu Trí tuệ đã chính thức lên tiếng.

Theo đó, Viện Khoa học Sở hưu Trí tuệ cho rằng những chữ nhôm Việt Pháp, hệ Shal, hệ Pma, Việt Pháp… là thuật ngữ được dùng phổ biến bởi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhôm thanh định hình, vì vậy nó không có khả năng gây nhâm lẫn về nguồn gốc sản phẩm với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” đã được đăng ký bởi Cục sở hữu Trí tuệ.

Theo Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ, yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phải hội tụ đủ 3 yếu tố sau: Thứ nhất là dấu hiệu được gắn (thể hiện, trình bày) trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo, phương tiện kinh doanh khác. Thứ hai là trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu. Thứ ba là được sử dụng một cách không hợp pháp, cụ thể là đối tượng được người thứ ba sử dụng nhưng không được chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc không được pháp luật cho phép.

Kết luận của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ khẳng định ‘nhôm Việt Pháp’  là tên thương mại phổ biến của các doanh nghiệp nhôm thanh định hình.

Xét theo những tiêu chí kể trên, có một yếu tố không đáp ứng. Đó là những từ nhôm Việt Pháp, hệ Shal, hệ Pma, Việt Pháp… không có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm với nhãn hiệu đã được bảo hộ là “Nhôm Việt Pháp Shal”.

Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ phân tích, các danh từ kể trên được sử dụng phổ biến bởi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhôm thanh định hình để chỉ và phân biệt các chủng loại sản phẩm tương ứng. Nghĩa là các thuật ngữ nói trên không thực hiện chức năng phân biệt nguồn gốc sản phẩm (một chủng loại có thể do các doanh nghiệp khác nhau sản xuất, tức là có các nguồn gốc khác nhau).

Một điểm nữa cũng được Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ nói tới, chữ “nhôm Việt Pháp” đã được rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhôm thanh định hình sử dụng từ lâu với danh nghĩa là tên thương mại. Tương tự, chữ “Shal” cũng đã được nhiều đơn vị doanh nghiệp sử dụng từ lâu. Trong bối cảnh này, bản thân các chữ kể trên đã mất khả năng tự phân biệt nguồn gốc của nhôm thanh định hình cũng như các sản phẩm khác cấu tạo từ nhôm thanh định hình. Vì vậy, các chữ “nhôm”, “nhôm Việt Pháp”, “Shal” chỉ gây ấn tượng tương tự về hình thức chứ không có tác dụng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu.

Từ những phân tích nêu trên, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ kết luận không đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu “nhôm hệ Việt Pháp” (hoặc nhôm Việt Pháp) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp Shal đã được bảo hộ.

Luật sư nhận định về kết luận của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ

Trước những phân tích trên của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ, Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý cho rằng, kết luận của Viện khoa học Sở hữu Trí tuệ đã vận dụng đúng các quy định của pháp luật.

“Khi một tên thương mại đã được nhiều doanh nghiệp sử dụng từ lâu và rộng rãi thì không thể xem đó là yếu tố gây xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Tôi lấy ví dụ như chiếc cốc thủy tinh (làm từ chất liệu thủy tinh), một doanh nghiệp nào đó không thể lấy từ được sử dụng rộng rãi là cốc thủy tinh để đi đăng ký thương hiệu và không cho các doanh nghiệp khác sử dụng từ đó nữa. Câu chuyện nhôm Việt Pháp cũng tương tự như vậy”, luật sư Kiên nhận định.

Ông Nguyễn Minh Kế - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nhôm Sông Hồng cho biết: “Đó là tên thương mại của rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhôm, tất cả dùng chung hệ Việt Pháp. Công ty Cổ phần nhôm Việt Pháp Shal – Nhà máy nhôm Việt Pháp là đơn vị thành lập sau nhưng lại lấy tên chung đó đi đăng ký thương hiệu là không được.”

Ông Dương Quốc Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Austdoor nêu quan điểm: “Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Viện, những tên đã phổ biến và là tài sản chung thì không thể có một cá nhân nào có thể sử dụng riêng lẻ được.”

Ông Vũ Văn Phụ - Giám đốc Công ty Cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà Máy Nhôm Việt Pháp cho hay: “Chữ nhôm Việt Pháp là tên thương mại đã được công ty tôi sử dụng từ khi mới thành lập công ty (2009), trải qua nhiều lần đổi tên, nhưng công ty tôi vẫn sử dụng từ nhôm Việt Pháp làm tên thương mại cũng nhưng sản xuất và kinh doanh.” 

“Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ cũng đã nêu không đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu “Nhôm hệ Việt Pháp” (hoặc Nhôm Việt Pháp) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Nhôm Việt Pháp Shal, bởi đây là tên thương mại được nhiều doanh nghiệp sử dụng” – Đại diện các doanh nghiệp thanh nhôm định hình Việt Nam nêu quan điểm…

Tuy nhiên, trong diễn biến mới nhất, Công ty Cổ phần nhôm Việt Pháp Shal – Nhà máy nhôm Việt Pháp vẫn giữ nguyên quan điểm tố cáo các đơn vị khác xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” của mình.

Hiệp hội Nhôm Việt Nam đã ra đời và một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội là tham mưu ý kiến cho bộ ngành đưa ra biện pháp bảo vệ cho lợi ích chung của ngành nhôm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về sự việc nêu trên, Hiệp hội đã nắm rất rõ và sẽ sớm có ý kiến tới các cơ quan chức năng.

Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về những tranh cãi pháp lý “nhôm Việt Pháp”, “Shal”  có phải là thương hiệu được bảo hộ của một doanh nghiệp nhôm thanh định hình hay là tên thương mại phổ biến của các doanh nghiệp diên tới độc giả trong bài viết sau...

Xuân Quang

Tin nổi bật