Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP. Hồ Chí Minh: Bộ Y tế tạm dừng lưu thông hai nhãn hiệu bột ngọt có xuất xứ Trung Quốc

  • PV
(DS&PL) -

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế vừa ban hành thông báo về việc tạm dừng lưu thông hai nhãn hiệu bột ngọt KJMOTO và HAN'EI SURU có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thông báo được đưa ra vào ngày 1/4/2025, trong đó Cục An toàn thực phẩm Đề nghị tạm dừng việc bán, lưu thông, sử dụng hàng hóa đối với 4 lô bột ngọt (Monosodium L – Glutamate) do Công ty TNHH Liên Sen, địa chỉ tại số 19 đường 44, khu phố 1, tổ 6, phường 16, quận 8, TPHCM nhập khẩu, do vi phạm quy định về ghi nhãn.

Danh sách các sản phẩm bị tạm dừng lưu thông gồm: Monosodium L - Glutamate Han'ei Suru với số lô D2502060-13X, ngày sản xuất 26/2/2025 và hạn sử dụng đến 25/2/2028, số lượng 839 bao (25kg/bao); Monosodium L - Glutamate Han'ei Suru với ngày sản xuất 26/2/2025 và hạn sử dụng 25/2/2027 (loại 1kg/túi); Monosodium L - Glutamate Han'ei Suru với ngày sản xuất 26/2/2025 và hạn sử dụng 25/2/2027 (loại 300g/túi); và Monosodium L – Glutamate Kjmoto với ngày sản xuất 26/2/2025 và hạn sử dụng 25/2/2027 (loại 350g/túi).

Bột ngọt HAN'EI SURU bị dừng lưu thông do vi phạm quy định về ghi nhãn.

Trong đó có 2 sản phẩm bột ngọt KJMOTO và HAN'EI SURU do Công ty TNHH Liên Sen nhập từ một công ty Trung Quốc là Hulunbeier NorthEast Fufeng Boitechnologies Co.LTD., sau đó san chia, đóng gói lại và bán ra thị trường. Tuy nhiên, bao bì của sản phẩm không có thông tin xuất xứ sản phẩm là từ Trung Quốc, tên công ty Trung Quốc sản xuất ra bột ngọt trước khi đóng gói cũng được ghi bằng tiếng Anh, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Mặt sau bao bì sản phẩm bột ngọt HAN'EI SURU và KJMOTO không ghi xuất xứ của sản phẩm theo quy định.

“Nhan nhản” bột ngọt đóng gói lại không rõ xuất xứ trên thị trường

Đây không phải là lần đầu tiên các nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử lí. Trước đó, bột ngọt Uma999 của Công ty Cổ phần Thực phẩm Nhất Việt (Tỉnh Bình Dương), bột ngọt Sela của Công ty TNHH MTV Sela Tím (Tỉnh An Giang), và bột ngọt AWIN của Công ty TNHH MTV thương mại xuất nhập khẩu Minh Đức (Tỉnh Quảng Trị) cũng đã bị các đội Quản lí thị trường địa phương xử phạt do vi phạm quy định về ghi nhãn, không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm.

Trên thị trường đang tràn lan các nhãn hiệu bột ngọt san chia, đóng gói lại từ bột ngọt Trung Quốc hoặc các loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh những thương hiệu đã bị xử lí này, hiện nay, có đến hơn 30 nhãn hiệu bột ngọt đóng gói lại nhưng trên bao bì không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn ngang nhiên bán tại các chợ, siêu thị, tạp hóa, địa lí... Phần lớn các loại bột ngọt đóng gói lại này được nhập từ Trung Quốc, hoặc các loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe cho người tiêu dùng.

Câu hỏi đặt ra là liệu các cơ sở san chia, đóng gói lại này có đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm hay chưa. Bên cạnh đó, chất lượng bột ngọt dùng để san chia, đóng gói lại từ bột ngọt Trung Quốc hoặc các loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ liệu có đảm bảo các tiêu chuẩn quy định cho phụ gia thực phẩm hay không.

Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua các sản phẩm bột ngọt, nên ưu tiên sản phẩm từ những thương hiệu uy tín và được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, đồng thời kiểm tra kỹ thông tin trước khi mua để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhận biết bột ngọt san chia, đóng gói lại

Để nhận biết bột ngọt san chia, đóng gói lại, người tiêu dùng chỉ cần quan sát mặt sau bao bì của sản phẩm.

Nếu mặt sau bao bì sản phẩm có các thông tin Đóng gói tại, hoặc Phối trộn tại, hoặc Hoàn tất tại, hoặc Cơ sở đóng gói, … thì chắc chắn đây là bột ngọt san chia, sang chiết để đóng gói lại, do các tổ chức, cá nhân tự trộn lẫn, san chia, đóng bao vào nhãn hiệu tự tạo ra, sau đó bán cho người tiêu dùng.

Ví dụ trường hợp của bột ngọt KJMOTO và HAN'EI SURU vừa bị xử lí, trên bao bì chỉ ghi Cơ sở đóng gói: 17 Phạm Đức Sơn, Phường 16, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoặc bột ngọt SELA của Công ty TNHH MTV Sela Tím (Tỉnh An Giang), trên bao bì ghi Đóng gói tại Việt Nam.

Bao bì của bột ngọt san chia, đóng gói lại thường ghi Đóng gói tại: hoặc Cơ sở đóng gói:

Còn với bột ngọt được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, trên mặt sau của bao bì chỉ ghi một trong các nội dung sau: Xuất xứ: Việt Nam, hoặc Sản xuất tại: Tên và địa chỉ công ty tại Việt Nam.

Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 3 công ty sản xuất bột ngọt trực tiếp là Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công Ty TNHH Miwon Việt Nam. Nguyên liệu dùng để sản xuất bột ngọt thường là mía, khoai mì... thông qua quá trình lên men tự nhiên.

Bao bì các loại bột ngọt được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam.

Nhiều hệ lụy từ bột ngọt đóng gói lại

Các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu bột ngọt từ Trung Quốc hoặc các nguồn không rõ xuất xứ, sau đó trộn, san chia, đóng gói lại rồi đưa ra thị trường, không cần chi phí cho nguyên liệu, không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng, máy móc mà chỉ trang bị thiết bị đóng gói đơn giản. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp trong nước phải đầu tư đáng kể vào xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, sử dụng nguồn nguyên liệu nông nghiệp trong nước, tuyển dụng lao động địa phương… Điều này dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất bột ngọt trong nước khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp chỉ san chia, đóng gói lại. Đặc biệt, khi thuế suất nhập khẩu bột ngọt từ các nước Đông Nam Á và Trung Quốc vào Việt Nam bằng không, những đơn vị nhập khẩu bột ngọt về để san chia, đóng gói không phải chịu thuế nhập khẩu, càng làm gia tăng bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất nội địa. Đây cũng là lý do dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các thương hiệu bột ngọt đóng gói lại, với hơn 30 nhãn hiệu xuất hiện tràn lan chỉ trong vòng một năm.

Hành vi cố tình che giấu nguồn gốc, xuất xứ của bột ngọt san chia, đóng gói lại nhằm qua mắt người tiêu dùng để thu lợi không chỉ tiềm ẩn rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để tăng cường quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tin nổi bật