Ngày 23/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin, tuần vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tăng 31% so với 4 tuần trước đó.
Cụ thể, từ ngày 15 - 21/7, TP.HCM ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao nhất gồm Quận 1, TP. Thủ Đức và Quận 7. Như vậy, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần thứ 29 (từ ngày 15 - 21/7) tại TP.HCM là 4.599 ca.
HCDC vừa ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Ảnh minh họa
Theo ngành y tế, bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Hiện TP.HCM đang vào mùa mưa, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Ngành y tế kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết thường xuyên để ngăn chặn dịch bùng phát.
Người dân chú ý các hoạt động như đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước (chậu kiểng, bình hoa, lốp xe cũ, các dụng cụ chứa nước khác...). Dọn dẹp vệ sinh khu vực xung quanh nhà, lấp kín các ổ nước, dọn sạch rác thải. Ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.
Về sốt xuất huyết, các bác sỹ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.