Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM công bố dịch sởi, phụ huynh cần chú ý điều gì để bảo đảm an toàn cho trẻ?

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Ngành y tế sẽ tiến hành chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch.

Theo thông tin từ VTC News, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy ngày 27/8 đã ký quyết định công bố dịch sởi quy mô toàn thành phố trước tình trạng số ca nhiễm tăng cao.

Theo quyết định Công bố dịch bệnh truyền nhiễm, dịch sởi do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy ký ban hành, thời gian xảy ra dịch sởi là vào tháng 8/2024, quy mô toàn TP.HCM. Việc công bố dịch sởi trên địa bàn TP.HCM nhằm huy động các nguồn lực tập trung phòng chống sởi, giảm số ca mắc, tử vong do bệnh sởi.

Dịch sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người. Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

Quyết định yêu cầu các trường hợp mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.

Các cơ sở y tế tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Để phòng, chống dịch sởi, TP.HCM kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, quận, huyện, TP.Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.

Ngành y tế sẽ tiến hành chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi. Ảnh: Báo Thanh niên.

Phụ huynh cần làm gì để bảo vệ trẻ?

Chia sẻ trên báo Thanh niên, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khuyến cáo phụ huynh nên kiểm tra sổ tiêm chủng của con mình. Với những ô có chữ "bệnh sởi", bạn đếm xem đã được ghi đủ 2 lần tiêm vắc xin có chứa thành phần "sởi" hay chưa, bất kể đã tiêm vắc xin gì.

Nếu trong sổ tiêm chủng chỉ ghi có một ngày tiêm hoặc chưa có ngày tiêm nào, hãy đưa con đến trung tâm y tế địa phương hoặc đơn vị tiêm chủng của bệnh viện gần nhất để được tiêm vắc xin.

Vắc xin chứa thành phần sởi hiện nay bao gồm:

Vắc xin sởi đơn, tiêm cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 12 tháng.

Vắc xin sởi - rubella, tiêm cho trẻ 12 tháng đến 5 tuổi.

Vắc xin dịch vụ là vắc xin sởi - quai bị - rubella (MMR II) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn. Đặc biệt lịch tiêm vắc xin MMR II khi có dịch sởi có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

Những ai cần đi tiêm vắc xin sởi?

Theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, phụ nữ có kế hoạch sẽ có thai trong 3 tháng sắp đến. Cần hoàn tất đủ 2 mũi vắc xin sởi - quai bị - rubella. Tuyệt đối không có thai trong thời gian tiêm vắc xin và một tháng sau tiêm vắc xin.

Người lớn trong gia đình, đặc biệt là những người đang trực tiếp chăm sóc các bé nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Các bảo mẫu và giáo viên trường mầm non.

Trẻ em không biết rõ về lịch sử tiêm chủng trước đây và đang có tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch như: Nhiễm HIV, sau ghép tạng, đang điều trị ung thư, đang chạy thận nhân tạo, cắt lách hoặc không có lách, mắc bệnh lupus, hội chứng thận hư...

Bao lâu sau tiêm vắc xin thì có hiệu quả bảo vệ?

Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh cho biết, cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể sản xuất đủ kháng thể bảo vệ tránh virus sởi. Trong khoảng thời gian này những người lớn có nguy cơ mắc sởi hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh sởi cần tránh tiếp xúc với trẻ.

Vắc xin sởi có thể giúp ngăn ngừa bệnh hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu được tiêm trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.

Cần từ 2 đến 3 tuần để cơ thể sản xuất đủ kháng thể bảo vệ tránh virus sởi. Ảnh minh họa.

Đây là lần đầu TP.HCM công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này. Ngành y tế sẽ tiến hành chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch.

Từ giữa tháng 8, TP.HCM đã kiến nghị công bố dịch sởi trên địa bàn trước tình hình số ca mắc tăng nhanh. Sở Y tế TP.HCM liên tục  có các cuộc họp trực tuyến với các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn để thống nhất giải pháp phòng chống dịch sởi.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết, bệnh bùng phát và tăng mạnh trong gần 3 tháng nay tính từ 23/5. Đến giữa tháng 8, toàn thành phố có hơn 57 phường xã của 16 quận, huyện có ca mắc sởi trở lên, đủ điều kiện để công bố dịch.

Đáng lo ngại, có đến 73% trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên chưa được tiêm ngừa sởi, thành phố không có quận, huyện nào đạt tỷ lệ bao phủ vaccine 95% để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Tin nổi bật