Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang ‘khao khát’ đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ bất chấp quá trình đàm phán rơi vào thế bế tắc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Bloomberg |
Cuối tuần qua, Tổng thống Trump viết trên Twitter, nhận định Trung Quốc vô cùng mong muốn thực hiện được thỏa thuận. “Trung Quốc khao khát đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Hàng ngàn công ty đang rời đi vì thuế quan, họ phải ngăn chặn dòng chảy. Đồng thời, Trung Quốc dường như cũng hy vọng một ứng viên đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng (trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020) để họ có thể tiếp tục các hành động ảnh hưởng đến sự vĩ đại của nước Mỹ cũng như đánh cắp hàng trăm tỷ USD!”, ông Trump viết.
Trên thực tế, càng ngày triển vọng đạt được thỏa thuận giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới càng trở nên bế tắc. Tuần trước, Washington đã chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Cuộc chiến thương mại cũng leo thang căng thẳng sau khi ông Trump đe doạ áp thêm thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc từ tháng 9/2019. Đáp lại, Bắc Kinh quyết định đình chỉ mua nông sản từ Mỹ.
Bây giờ, câu hỏi đạt ra là liệu vòng đàm phán tiếp theo giữa hai bên, dự kiến sẽ được tổ chức tại Washington vào tháng 9 tới có tiếp tục diễn ra hay không, mặc dù chưa bên nào chính thức tuyên bố ngừng cuộc họp.
Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc của Mỹ, khẳng định rằng không có việc thuế quan gây ra tình trạng các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc.
Vào hôm 10/8 vừa qua, ông Chen Yuan, cựu chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc – đơn vị cho vay chính sách lớn nhất của đất nước nói với một diễn đàn tài chính rằng cuộc chiến thương mại đã leo thang thành một cuộc chiến tài chính, sau khi Washington coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ: “Cuộc chiến tài chính bắt đầu với tranh chấp tỷ giá hối đoái. Nó sẽ có tác động lớn hơn nhiều so với một cuộc chiến thương mại thuần túy về chiều sâu, chiều rộng và phạm vi ảnh hưởng”.
Trong khi đó ông Huang Yiping, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh phát biểu tại một sự kiện ở tỉnh Hắc Long Giang rằng Trung Quốc nên bám sát chương trình nghị sự của chính mình và không được cho phép để cuộc chiến thương mại phá vỡ tiến trình đã định.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)