Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh triển khai quân đội tới hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine bao gồm Donetsk và Lugansk, sau khi duyệt sắc lệnh công nhận hai khu vực này độc lập vào ngày 21/2 (giờ địa phương), Reuters đưa tin.
Phóng viên Reuters đã nhìn thấy các xe tăng và khí tài quân sự khác di chuyển qua thành phố Donetsk do phe ly khai kiểm soát, sau khi ông Putin ban hành sắc lệnh công nhận các khu vực ly khai và yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga cử lực lượng đến đây để "giữ hòa bình".
Mỹ và châu Âu đã lên án các động thái mới này của Nga và cho biết sẽ áp lệnh các lệnh trừng phạt mới, mặc dù không rõ liệu đó có phải là bước đi quan trọng đầu tiên của Tổng thống Putin đối với một cuộc tấn công quy mô toàn diện ở Ukraine mà các chính phủ phương Tây đã cảnh báo trong nhiều tuần gần đây hay không.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, việc triển khai quân tới các khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát chưa thể tạo thành một "cuộc tấn công tiếp theo". Điều này sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất, tuy nhiên một chiến dịch quân sự rộng lớn hơn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ ký các văn kiện, trong đó có sắc lệnh công nhận hai khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine, ngày 21/2. Ảnh: Reuters.
Hiện chưa có thông tin nào về quy mô lực lượng mà ông Putin điều động đến miền Đông Ukraine nhưng sắc lệnh mới nhất cho biết Nga hiện có quyền xây dựng căn cứ quân sự ở các khu vực ly khai.
Trong một bài phát biểu dài trên truyền hình chứa đựng nhiều bất bình chống lại phương Tây, ông Putin đã mô tả Ukraine là một phần không thể thiếu trong lịch sử nước Nga và nói miền Đông Ukraine là vùng đất cổ của Nga.
Truyền hình nhà nước Nga chiếu cảnh ông Putin cùng với các nhà lãnh đạo phe ly khai do Nga hậu thuẫn, ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DNR) và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” (LNR). Hai “nhà nước tự xưng” này do phe ly khai thân Nga lập ra ở vùng Donbas thuộc miền Đông Ukraine từ năm 2014.
Điện Kremlin cho biết, bất chấp những cảnh báo của phương Tây, ông Putin đã thông báo quyết định của mình trong các cuộc điện đàm trước đó với các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp báo chung với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Moscow, Nga ngày 18/2. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người đã nhận được lời kêu gọi đoàn kết từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, cáo buộc Nga "phá vỡ" các cuộc đàm phán hòa bình và bác bỏ nhượng bộ lãnh thổ, ông cho biết trong một bài phát biểu ngày 22/2.
Tổng thống Biden đã nhanh chóng ký một lệnh hành pháp để ngừng mọi hoạt động kinh doanh của Mỹ tại các khu vực ly khai và cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa từ các khu vực đó.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết động thái này tách biệt với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đã sẵn sàng nếu Nga tấn công Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lệnh hành pháp "được thiết kế để ngăn chặn Nga thu lợi từ việc vi phạm luật pháp quốc tế".
Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức, Pháp và Mỹ đã đồng ý đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với phe ly khai Ukraine, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss cho biết quốc gia này sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới vào ngày 22/2.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Nga "cố ngụy tạo" cho một cuộc tấn công tiếp theo.
Cuối ngày 21/2 (giờ địa phương), truyền hình quốc gia Nga phát cảnh Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DNR) và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” (LNR). "Tôi cho rằng việc ngay lập tức công nhận độc lập và chủ quyền của 'Cộng hòa Nhân dân Donetsk' và 'Cộng hòa Nhân dân Luhansk' là cần thiết và lẽ ra phải làm từ lâu", ông Putin cho hay.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo 69 tuổi yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự” ở khu vực Donbass, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, “mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu” có thể diễn ra đều thuộc về Kiev.
Ông Putin khẳng định Nga “đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk,” xong đều vô ích. Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Nga một lần nữa nêu lên vấn đề Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Ukraine.
Theo ông Putin, Moscow có cơ sở để khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO và sau đó là việc triển khai các cơ sở của NATO trên lãnh thổ Ukraine chỉ là “vấn đề thời gian," coi đây là “đòn tấn công chủ động” của phương Tây đối với nước Nga.
Tổng thống Nga nhấn mạnh các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga đưa ra hồi tháng 12/2021 đã bị bỏ qua nên Moscow có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của mình".
Bích Thảo (Theo Reuters)