Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tổng thống Putin ra lệnh báo động hạt nhân, phía Mỹ phản ứng thế nào?

(DS&PL) -

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng trước lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột hạt nhân hủy diệt từ phía Nga, trong bối cảnh giao tranh tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.

Trong cuộc họp sáng ngày 27/2 (giờ địa phương) với quan chức quốc phòng hàng đầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh đưa lực lượng răn đe chiến lược của quân đội, trong đó có những đơn vị mang vũ khí hạt nhân, vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt.

Động thái của ông Putin khiến nhiều người cảm thấy lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột hạt nhân hủy diệt, trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.

Khi Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đang cân nhắc cách đối diện với Nga, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng hôm 28/2 cho biết, Mỹ không cần thay đổi mức cảnh báo hạt nhân sau động thái của ông Putin. 

Khi được hỏi rằng liệu người Mỹ có cần phải lo ngại về kịch bản xung đột hạt nhân bùng phát hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời là không.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi đang đánh giá chỉ thị của ông Putin và tại thời điểm này, chúng tôi thấy không có lý do gì để thay đổi mức độ cảnh báo hạt nhân của mình".

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/2. Ảnh: AP.

Bà Psaki nói rằng Mỹ và 30 nước thành viên NATO không mong muốn nổ ra xung đột với Nga. Bà cáo buộc, động thái của Moscow là lời nói khiêu khích và cảnh báo nó có thể trở nên nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm.

Bà Psaki cũng nói rằng khoản viện trợ 350 triệu USD mà Tổng thống Biden đã chấp thuận chuyển cho Ukraine sẽ đến "trong vài ngày tới", mặc dù điều đó rất phức tạp do không phận tranh chấp trên và gần Ukraine. Đồng thời, bà đã loại trừ việc NATO thực thi vùng cấm bay trong khu vực.

Ngày 28/2, Tổng thống Biden đã tổ chức một cuộc điện đàm với các đồng minh và đối tác để phối hợp phản ứng liên tục, trong bối cảnh Ukraine và Nga tổ chức các cuộc đàm phán về khả năng ngừng bắn trong cuộc tấn công.

Một cây cầu bị phá hủy gần thị trấn Bucha ở Kyiv, ngày 28/2, khi Nga tiếp tục tấn công Ukraine. Ảnh: Reuters.

Cuộc điện đàm có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Romania Klaus Iohannis và Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Nhà Trắng cũng đã đưa ra chi tiết cụ thể hơn về các lệnh trừng phạt được công bố vào cuối tuần trước để đáp trả hành động tấn công của Nga vào Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga ngăn cản Chính phủ Nga tiếp cận hơn 600 tỷ USD dự trữ ở Mỹ. Các quan chức cho biết rõ ràng là ông Putin đã lên kế hoạch sử dụng tài sản của ngân hàng trung ương để bù đắp ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây.

Bích Thảo (Theo ABC News) 

Tin nổi bật