Trước khi bị khởi tố về hành vi tham ô, Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC đã tự khai ra hành vi của mình và đề nghị gia đình khắc phục hậu quả 800 triệu đồng.
Theo truy tố, trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, bị can Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC là người ký Hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và 1.312.076.568.646 đồng trái quy định, đồng thời tham gia việc quyết định sử dụng 1.115.868.979.065 đồng trong số tiền tạm ứng này sai mục đích không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 119.804.660.196 đồng.
Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc PVC. |
Trên cương vị là Tổng Giám đốc PVC, Vũ Đức Thuận có vai trò cùng với bị can Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút 13.066.262.471 đồng từ ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.
Cá nhân Vũ Đức Thuận được ăn chia số tiền 800 triệu đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng 1,5 tỷ đồng trong tổng số 13.066.262.471 đồng chiếm đoạt được.
Bị truy tố với hành vi như trên, nguyên TGĐ PVC bị VKS đề nghị từ 26 – 28 năm tù về cả hai tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.
Là người bào chữa cho bị cáo Thuận, luật sư Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, trước khi Thuận bị khởi tố về hành vi tham ô, Thuận đã tự khai ra hành vi của mình và đề nghị gia đình khắc phục hậu quả 800 triệu đồng. Luật sư Tuấn đề nghị HĐXX nên xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thuận.
Ngoài ra, luật sư Tuấn còn trình bày một số tình tiết giảm nhẹ khác cho thân chủ của mình như gia đình bị cáo Thuận có công với cách mạng, bố bị cáo là thương binh, chú và cô của bị cáo là liệt sĩ, bản thân bị cáo Thuận cũng có nhiều cống hiến cho đất nước.
Xét về hành vi, luật sư Tuấn nói: “Bị cáo Thuận chỉ đề nghị Hiển xin các đơn vị có lãi để ủng hộ cho PVC đối ngoại, còn việc lập hồ sơ như thế nào thì Hiển và Thuận không biết. Thuận là người đại diện theo pháp luật cho PVC, vì lợi ích của pháp nhân, hành động hoàn toàn vì pháp nhân”.
Luật sư Tuấn nói tiếp: “Theo quy định tại Điều 20 BLHS quy định rõ về vai trò người chủ mưu, giúp sức, thực hành thế nào. Ở đây Thuận có vai trò giúp sức. Nếu PVC không chịu trách nhiệm về những thiệt hại do người đại diện vì mình mà gây ra, chắc chắn chúng tôi sẽ khởi kiện PVC”. Do vậy mà theo quan điểm của luật sư Tuấn, VKS đề nghị các bị cáo phải có liên đới bồi thường là không phù hợp với BLDS.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang bào chữa cho Lê Đình Mậu và Ninh Văn Quỳnh đã nói trong phần bào chữa của mình: “Thực sự đau lòng khi những người có đóng góp lớn cho ngành dầu khí từ những năm 80 giờ lại phải đứng tại đây”.
Luật sư Quang cho rằng vụ án mới, đang trong giai đoạn điều tra đã quyết định khởi tố. Điều này thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án khi cơ quan ANĐT trưng cầu giám định đối với dự án, sau đó cơ quan ANĐT gửi công văn đến các Bộ trưởng các Bộ yêu cầu.. để sớm đưa vụ án ra xét xử vào cuối năm 2017.
“Đành rằng tính quyết liệt trong đấu tranh chống tham nhũng là cần thiết nhưng liệu việc ấn định thời hạn xét xử trước khi điều tra xem có tội hay không, như vậy gây áp lực cho các giám định viên bộ Tài chính, Xây dựng và KH&ĐT buộc phải tìm ra lỗi để kết tội các bị cáo. Điều này dẫn đến những tranh cãi về giám định tài chính của bộ Tài chính. Ví dụ về cách tính lãi suất, làm cách nào để ra được số tiền 51 tỷ đồng và 58 tỷ đồng, không dựa vào văn bản pháp luật nào”, luật sư Quang nói.
Dẫn lời luật sư Quang thì bị cáo Ninh Văn Quỳnh nhận thức được sai sót của mình nên luôn nhắc luật sư nói ngắn gọn dễ hiểu, đừng làm mất thời gian của HĐXX.
Cuối phần bào chữa của mình, luật sư Quang đề nghị với HĐXX trong trường hợp cần thiết thì phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để giám định lại thiệt hại do thiếu các chứng cứ chứng minh tính chất mức độ thiệt hại do hành vi gây ra.
Tư Viễn