Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tổng Công ty SAGRI vay hàng trăm tỷ sử dụng sai mục đích, gây thua lỗ hàng chục tỷ đồng tiền Nhà nước

(DS&PL) -

Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước gần 25 tỷ đồng vì bị lỗ chênh lệch tỷ giá chỉ với 3 khoản vay ngoại tệ 11,3 triệu Euro.

Chỉ với 3 khoản vay ngoại tệ 11,3 triệu Euro với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước gần 25 tỷ đồng vì bị lỗ chênh lệch tỷ giá …

Vay Euro về gửi … ngân hàng?!

Theo Kết luận Thanh tra Thành phố HCM, năm 2016 và 2017, SAGRI ký vay 3 hợp đồng ngoại tệ với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam với số tiền là 11,3 triệu Euro, quy đổi thành VNĐ là 274, 727 tỷ đồng. Mục đích vay tại các hợp đồng này là bổ sung vốn lưu động.

Kết luận thanh tra thể hiện SAGRI vay 11,3 triệu Euro sử dụng sai mục đích, gây thua lỗ gần 25 tỷ cho Nhà nước vì chênh lệch tỷ giá.

Tuy nhiên, trái ngược với điều khoản được hai bên ký trong hợp đồng, sau khi nhận được tiền, SAGRI đem đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác. Tại thời điểm đáo hạn, vốn gốc phải trả 11,3 triệu Euro quy đổi tiền VNĐ là 299,722 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá đối với vốn gốc phải trả ngân hàng là 24,995 tỷ đồng.

Tháng 12/2017, SAGRI ký tiếp hợp đồng vay VNĐ với Ngân hàng Shinhan Bank Viet Nam số tiền 150 tỷ đồng, mục đích vay là bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, sau khi được giải ngân, SAGRI đã sử dụng sai mục đích, đem tiền đi gửi có kỳ hạn sang ngân hàng khác.

Trong tháng 9 và 10/2016, SAGRI ký 2 hợp đồng vay 131 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành. Mục đích khoản vay là góp vốn thành lập pháp nhân mới theo hợp đồng hợp tác đầu tư số 83 ngày 13/5/2017 và hợp đồng hợp tác đầu tư số 90 ngày 2/8/2016.

Tuy nhiên, thực tế số vốn góp của SAGRI vào hai pháp nhân mới này đã được các đối tác giải ngân cho SAGRI vay không lãi suất trong thời gian 3 năm, do đó mục đích vay tiền góp vốn thành lập pháp nhân mới là không cần thiết. Sau khi có tiền, SAGRI đã đi gửi có kỳ hạn vào ngân hàng khác, sử dụng vốn sai mục đích. Con số thiệt hại do chênh lệch lãi suất đến nay chưa xác định được con số cụ thể.

Kết luận cho thấy, tại các thời điểm ký hợp đồng vay tiền, “ngân khố” của SAGRI vẫn rủng rỉnh với một lượng lớn tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng nên SAGRI đi vay tiền để bổ sung vốn lưu động là không cần thiết, làm phát sinh chi phí lãi vay, lỗ do chênh lệch tỷ giá, giảm hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước. Đồng thời, việc vay tiền sau đó gửi ngân hàng có kỳ hạn là sử dụng vốn vay không đúng mục đích.

Mất 12 tỷ đồng tiền tạm ứng

Đặc biệt, kết luận Kiểm toán Nhà nước cũng như kết luận của Thanh tra Thành phố cho thấy, SAGRI đã “ném” hàng chục tỷ đồng cho đối tác một cách rất dễ dãi. Theo đó, SAGRI và Công ty Đức Nguyên đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn để UBND tỉnh Đắc Lắc giao 4.000 ha đất tại huyện Ea Sup để trồng cao su. Sau khi ký hợp đồng, thực hiện uỷ quyền của SAGRI, trong hai năm 2011 và 2012, Công ty Bò sữa đã tạm ứng cho Công ty Đức Nguyên 12 tỷ đồng. Năm 2016, tỉnh Đắc Lắc thu hồi chủ trương lập dự án của SAGRI, dự án bị dừng vô thời hạn.

Khu đất 670 ha tại xã Phú Mỹ Hưng, được SAGRI đem đi hợp tác trái pháp luật với Tập đoàn Trung Thuỷ.

Mặc dù giải ngân số tiền lớn như vậy, nhưng theo Kiểm toán Nhà nước, SAGRI và Công ty Bò Sữa đã không có biện pháp yêu cầu Công ty Đức Nguyên cung cấp chứng từ thế chấp tài sản hoặc chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Sau khi nhận được 12 tỷ tạm ứng nhưng dự án bị dừng, SAGRI bắt đầu hành trình “thả gà ra đuổi”, gửi văn bản thanh lý hợp đồng nhưng Công ty Đức Nguyên vẫn không hề phản hồi!. 12 tỷ đồng, vì thế, chưa biết bao giờ đòi được.


Ngoài ra, tình trạng điều hành bết bát, kém năng lực của ban lãnh đạo tại doanh nghiệp này cũng được thể hiện ở các công ty mà SAGRI tham gia góp vốn. Kết luận Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2017, SAGRI đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp với tổng số vốn đều tư là 1.038 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cho thấy có 9/25 đơn vị có kết quả kinh doanh thua lỗ, số lỗ luỹ kế của 10/25 đơn vị đến thời điểm 31/12/2017 là 382 tỷ đồng.

Ký khống gần 20 tỷ đồng tiền đồng phục, cho nhân viên đi nước ngoài, cấu kết với đối tác để hợp thức hoá

Theo Kết luận thanh tra số 38 của Thanh tra TP.HCM, trong 2 năm (2015, 2016), SAGRI chi hơn 5,8 tỷ đồng mua đồng phục cho người lao động trong tổng công ty. Với số tiền rất lớn như vậy, tuy nhiên, Kết luận thanh tra số 38 khẳng định, đối với 5,2 tỷ đồng để trang bị đồng phục, lễ phục năm 2016 thì không có danh sách phát đồng phục, không có chữ ký nhận đồng phục, lễ phục của các các nhân có tên trong danh sách.

Đặc biệt, từ ngày 3/10 đến ngày 1/11/2016, Tổng giám đốc SAGRI đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở một số nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga… với tổng giá trị 13,3 tỷ đồng.

Ông Lê Tấn Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc SAGRI.

Kết quả xác minh cho thấy, qua kiểm tra 10 người đang công tác tại Công ty Bò Sữa và 12 người đang công tác tại Công ty Cây trồng có tên trong danh sách đi nước ngoài do Tổng giám đốc SAGRI Lê Tấn Hùng ký thì không có người nào tham gia chuyến đi. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an TP.HCM xác nhận 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.


Thanh tra TP.HCM khẳng định, SAGRI không thực hiện các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài trong năm 2016 nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí cho hai công ty du lịch với số tiền 13,3 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán.

Đặc biệt, để đối phó với sai phạm này, đoàn thanh tra nhận thấy Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng có dấu hiệu cấu kết với công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hoá vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật.

Theo kết luận thanh tra, Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng, kế toán trưởng SAGRI phải chịu trách nhiệm của những sai phạm này.

Xử lý sai phạm không có vùng cấm

Cho đến hiện nay, mặc dù cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kết luận nhiều nội dung sai phạm xảy ra tại SAGRI nhưng Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng mới chỉ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo (vì lập chứng từ khống – PV). Trong khi đó, cũng với những sai phạm tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận được Thanh tra Thành phố kết luận, Tổng giám đốc công ty này là ông Tề Trí Dũng đã bị công an khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, bây giờ phải quay lại lời của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói là không có vùng cấm, không có vùng trắng trong việc xử lý cán bộ có sai phạm. UBND TP.HCM phải xem xét và xử lý, nếu không làm là không được, như vậy là không nghiêm.

“UBND TP.HCM phải xem xét lại, nếu như thấy hình thức kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc SAGRI vậy là được rồi thì thôi, còn nếu thấy cảnh cáo như vậy chưa được thì phải cách chức. Khi thanh tra, kiểm toán có thấy sai phạm rất lớn rồi, có tính chất hình sự rồi thì cần phải chuyển cho cơ quan điều tra để làm sáng tỏ, thậm chỉ có thể khởi tố vụ án để làm rõ những dấu hiệu sai phạm đó”, ông Hùng cho biết.

Còn theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược – Bộ Công an, với một cán bộ điều hành doanh nghiệp Nhà nước mắc sai phạm như vậy thì trước hết phải xử lý hành chính bằng việc cắt hết mọi chức vụ, rồi xem xét khai trừ khỏi Đảng.

“Tôi biết ông này là em trai nguyên Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải, nhưng đã sai phạm thì bất cứ ai cũng phải xử lý nghiêm. Trong lúc Đảng và Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Tổng bí thư, Chủ tịch nước đang quyết liệt phòng chống tham nhũng thì trường hợp này tôi đề nghị phải xử lý nêu gương để cũng cố lòng tin của 12 triệu người dân TP.HCM”, tướng Cương cho biết thêm.

Đem gần 2.000 ha đất công hợp tác trái pháp luật

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, SAGRI và Công ty Agrimexco (công ty 100% vốn của công ty mẹ) ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích là 19.199.719 m2.

Một trong những thương vụ lớn phải kể đến là SAGRI hợp tác với Tập đoàn Trung Thuỷ và một đối tác khác thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thuỷ Sagri thực hiện dự án Khu sản xuất nông nghiệp 6.700 ha tại xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) và dự án Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Củ Chi 470 ha tại xã Phạm Văn Cội.

Việc mang đất công đi làm ăn với doanh nghiệp tư nhân được Kiểm toán Nhà nước kết luận là có sai phạm. Cụ thể, tại hai dự án có quy mô hơn 1000 ha nói trên ở địa bàn huyện Củ Chi, mặc dù chưa có văn bản chấp thuận của UBND Thành phố, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền, nhưng SAGRI vẫn bàn giao đất cho pháp nhân mới thành lập.

Mặt khác, việc góp đất lập công ty là trái với Quyết định số 5039 của UBND TP.HCM với quy định “không được cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất dưới bất kỳ hình thức nào”.

Lam Giang

Tin nổi bật