Theo quy định Điều 337 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người nào thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước không thuộc quy định tại Điều 110 (Tội Gián điệp) thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Trong trường hợp, phạm tội có tổ chức, bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật thì bị phạt tù từ 10-15 năm.
Ông Nguyễn Đức Chung - Ảnh: Bộ Công an |
Ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau khi Viện KSND tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án.
Liên quan đến vụ việc, nhiều độc giả nêu thắc mắc, tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” được quy định như thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Mai Quốc Việt - Công ty Luật FDVN (Đà Nẵng) dẫn quy định Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước thì, người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra, phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn... thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm... Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì người nào thực hiện hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước không thuộc quy định tại Điều 110 (Tội Gián điệp) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Trong trường hợp, phạm tội có tổ chức, bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 337. Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước 1. Người nào cố ý làm lộ hoặc mua bán bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. 2. Phạm tội trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa. 3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Tiểu Phương