Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Toàn cảnh đòn thuế mới nhất của Tổng thống Donald Trump: Nước đi bất khả vãn hồi?

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Người tiêu dùng không chỉ mua trực tiếp hàng nhập khẩu. Thuế quan sẽ đẩy vật liệu nhập khẩu lên, trong đó dùng để sản xuất các sản phẩm trong nước.

Hôm 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lời cam kết áp thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc nhằm “trả đũa” cho dòng người nhập cư và ma túy bất hợp pháp chảy vào nước Mỹ.

Ông Trump đã ký 3 sắc lệnh hành pháp từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, áp dụng mức thuế 25% với tất cả hàng hóa từ Canada và Mexico, cùng mức thuế 10% với sản phẩm năng lượng từ Canada và mọi hàng hóa Trung Quốc. Tất cả mức thuế dựa theo thẩm quyền của Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế.

Theo lệnh hành pháp Imposing Duties to Address the Flow of Illicit Drugs Across Our Northern Border (tạm dịch: Áp dụng thuế để giải quyết dòng chảy ma túy bất hợp pháp qua biên giới phía bắc), quy định mới sẽ có hiệu lực “vào hoặc sau 12h01 ngày 4/2 theo giờ miền Đông”.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh nếu các quốc gia trên trả đũa, mức thuế này sẽ tiếp tục tăng, Guardian đưa tin.

Luật liên bang trao cho tổng thống Mỹ quyền hành rộng rãi để ban hành thuế quan mà không cần Quốc hội chấp thuận. Do đó, ông Trump có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế quốc gia để áp đặt thuế quan, viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) trao cho tổng thống quyền quản lý hàng nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp quốc gia.

Ông Trump cũng có thể dẫn mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, trao cho tổng thống quyền áp đặt thuế quan với một số ngành công nghiệp nhất định. Ông Trump từng làm như vậy hồi năm 2018, khi áp thuế với nhôm và thép đối với Canada, Mexico và Liên minh châu Âu.

Canada và Mexico tuyên bố áp thuế đáp trả

Theo Hindustan Times, trong ngày 1/2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thông báo sẽ áp thuế 25% đối với 106,5 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhằm đáp trả sắc lệnh thuế quan mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Sắc lệnh thuế quan của ông Trump là động thái phá hoại nền kinh tế Canada. Tôi không mong muốn phải đáp trả, nhưng chúng tôi đã có sự chuẩn bị. Tôi sẽ có thông điệp chính thức với người dân Canada vào ngày hôm nay", ông Trudeau nói.

Truyền thông Canada cho biết, kế hoạch áp thuế đáp trả của nước này được chia ra làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, 20,5 tỷ USD hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Canada bắt đầu từ ngày 4/2 sẽ bị đánh thuế 25%. Giai đoạn thứ hai được triển khai sau đó, kéo dài 21 ngày, với tổng giá trị hàng hóa Mỹ bị ảnh hưởng là 106,5 tỷ USD.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thông báo sẽ áp thuế 25% đối với 106,5 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Ảnh: Getty

Cùng ngày, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã ra lệnh cho Bộ Kinh tế nước này thực hiện các biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích quốc gia trước động thái của Mỹ.

"Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Kinh tế triển khai các biện pháp thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ lợi ích đất nước. Tuy vậy, Mexico vẫn mong muốn tìm kiếm hợp tác và đối thoại thay vì đối đầu với Mỹ", bà Sheinbaum cho biết.

Tổng thống Sheinbaum cũng bác bỏ cáo buộc của Washington cho rằng chính phủ Mexico có liên quan đến các băng đảng ma túy, nhấn mạnh rằng chính phủ của bà đã thu giữ 20 triệu liều ma túy tổng hợp fentanyl kể từ tháng 10 năm ngoái.

Phản ứng của Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc vừa tuyên bố nước này "kiên quyết phản đối" mức thuế mới do Tổng thống Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời cam kết sẽ thực hiện các biện pháp đối phó tương ứng để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích.

Bắc Kinh còn tuyên bố sẽ đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bộ Thương mại Trung Quốc nói thêm rằng mức thuế mới "không chỉ không có ích trong việc giải quyết các vấn đề của chính Mỹ mà còn làm suy yếu sự hợp tác kinh tế và thương mại bình thường".

Ảnh minh họa

"Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ xem xét và giải quyết các vấn đề của riêng mình một cách khách quan và hợp lý, thay vì đe dọa các quốc gia khác bằng thuế quan", Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh.

Bắc Kinh cũng kêu gọi Mỹ cùng với Trung Quốc đối thoại thẳng thắn, tăng cường hợp tác và giải quyết những khác biệt trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau.

Tại sao ông Trump áp dụng đòn thuế cho một số quốc gia cụ thể?

Thuế quan là loại thuế đánh vào hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào một quốc gia. Mỹ hiện là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới.

Trước khi nhậm chức, ông Trump đã đe dọa áp thuế với 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ: Trung Quốc, Mexico và Canada. Mexico và Canada sẽ chịu mức thuế 25%, còn Trung Quốc là 10% cho đến khi các quốc gia này giải quyết được vấn đề người nhập cư và ma túy bất hợp pháp chảy vào Mỹ.

Theo Guardian, ông Trump vốn coi thuế quan là một con bài mặc cả quyền lực và chính sách thuế quan có thể gây áp lực lên các nhà sản xuất và nhập khẩu Mỹ nhằm tăng cường sản xuất trong nước.

“Quý vị chỉ cần xây dựng nhà máy tại Mỹ và không phải chịu mức thuế nào cả”, ông Trump từng nói. 

Ông Trump coi thuế quan là một con bài mặc cả . Ảnh minh họa

Người tiêu dùng Mỹ có bị ảnh hưởng?

Thuế quan 25% với tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sẽ khiến giá tiêu dùng tăng lên. Canada là nước xuất khẩu dầu thô lớn, trong khi Mexico xuất khẩu nhiều loại trái cây và rau quả tươi. Mexico cũng là nước xuất khẩu phụ tùng ôtô lớn nhất sang Mỹ. Trung Quốc là nước xuất khẩu chính các loại chip sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử như điện thoại và máy tính xách tay.

Người tiêu dùng không chỉ mua trực tiếp hàng nhập khẩu. Thuế quan sẽ đẩy vật liệu nhập khẩu lên, trong đó dùng để sản xuất các sản phẩm trong nước.

Nhóm nghiên cứu Tax Foundation ước tính mức thuế mới sẽ tăng tổng thuế lên 1.200 tỷ USD. Ông Trump ca ngợi ý tưởng này vì cho rằng chính phủ Mỹ sẽ thu nhiều hơn thông qua thuế quan, song sau cùng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá hàng hóa cao hơn.

Phân tích từ Budget Lab thuộc Đại học Yale chỉ ra mỗi hộ gia đình Mỹ trung bình tốn thêm khoảng 1.170 USD do đợt tăng thuế quan này.

Người dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi việc áp thuế. Ảnh minh họa

Nguy cơ khơi mào thương chiến

Theo Reuters, quyết định áp thuế chứng minh cho lời đe dọa liên tục của ông Trump trong chiến dịch tranh cử cho đến khi nhậm chức, bất chấp cảnh báo từ các nhà kinh tế rằng việc khơi mào thương chiến với các đối tác thương mại hàng đầu sẽ làm xói mòn tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu.

Mô hình đánh giá tác động của chuyên gia kinh tế trưởng Greg Daco từ hãng kiểm toán EY cho thấy chính sách thuế này có thể khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 1,5 điểm phần trăm năm nay, đẩy Canada và Mexico vào suy thoái.

"Việc tăng mạnh thuế quan với các đối tác thương mại của Mỹ có thể gây ra cú sốc lạm phát trì trệ (stagflation), tức vừa làm giảm tăng trưởng kinh tế vừa thúc đẩy lạm phát, đồng thời gây biến động trên thị trường tài chính", ông Greg Daco nêu.

Sự biến động đó đã có thể dễ dàng nhìn thấy khi đồng peso Mexico và USD Canada đều giảm sau khi Trump tuyên bố thực hiện lời đe dọa của mình. Giá cổ phiếu Mỹ cũng giảm và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng.

Chủ tịch Hội đồng Thương mại Đối ngoại Quốc gia Mỹ (NFTC) Jake Colvin cho rằng động thái của ông Trump có nguy cơ làm tăng chi phí của "mọi thứ, từ quả bơ đến ôtô" và kêu gọi Mỹ, Canada và Mexico nhanh chóng tìm ra giải pháp để tránh căng thẳng leo thang. "Chúng ta nên tập trung vào hợp tác với Canada và Mexico để giành lợi thế cạnh tranh và tạo điều kiện cho các công ty Mỹ mở rộng xuất khẩu sang thị trường toàn cầu", ông nhìn nhận.

Tin nổi bật